4 chữ Đ làm nên một mối quan hệ bền vững
Bước vào mối quan hệ tình cảm, ai cũng muốn đi được với nhau lâu dài. Bên cạnh cảm xúc rung động, ấn tượng dành cho nhau trong những lần đầu thì tình yêu còn là quá trình xây dựng sự gắn kết sâu sắc, biết học cách yêu đi yêu lại một người với sự vui vẻ nhất. Ở bài này, SEBT sẽ chia sẻ 4 chữ Đ làm nên một mối quan hệ bền vững.
1/ Đồng tâm: Cùng cách thể hiện tình cảm
Đồng tâm có thể là hai bên cùng một ngôn ngữ tình yêu, cùng một cách thể hiện tình cảm. Hoặc đồng tâm cũng nằm trong việc sẵn sàng chia sẻ để hiểu, để biết mình nên làm gì khi muốn thể hiện sự yêu thương.
Dĩ nhiên, lúc yêu một người, bản thân sẽ có những phút giây tinh tế, biết được đối phương cần được quan tâm thế nào mà không phải nói ra. Nhưng con người luôn thay đổi theo thời gian nên sẽ không thể thiếu những buổi nói chuyện thấu cảm để luôn cập nhật tình hình của nhau. Điều này cũng cần mỗi người sẵn sàng trao đổi để cái tâm được gần nhau hơn và được gắn kết hơn.
Ngoài ra chúng ta đôi khi không cần những điều to tát lớn lao mà chỉ cần biết ơn khi nhận được những điều mình cần.
Hình ảnh được cung cấp bởi taylor hernandez trên Unsplash
2/ Đồng tin: Cùng niềm tin trong cuộc sống
Có những khái niệm nguồn, những giá trị trong cuộc sống mà mỗi người theo đuổi để bản thân được trọn vẹn với phiên bản của chính mình. Đó như một nền tảng cho sự phấn đấu tiến đến điều tốt đẹp. Khi có thể xây dựng được những hệ giá trị trong cuộc sống có nhiều điểm tương đồng, cả hai trong mối quan hệ sẽ cảm nhận năng lượng phát triển của nhau. Có những cái hiểu nói được thành lời, cũng có những cái thấu mà từ chính sự đồng tin tiếp lửa thêm cho chuyện tình được sai quả ngọt hơn.
Trong quá trình tìm hiểu, quá trình yêu, mình sẽ cảm nhận được điều này rõ nét. Nhưng mình không nên phán xét niềm tin của ai cả, vì mỗi người có những lựa chọn riêng trong đời. Mình chỉ nên lắng nghe đối phương rồi chia sẻ niềm tin của mình, sau đó cho nhau thời gian xem liệu có thể đồng điệu, có thể dung hòa hay không.
Đồng tin cũng giúp mọi người vững vàng hơn khi đưa ra quyết định cũng như củng cố sự tin tưởng dành cho đối phương và mối quan hệ.
Hình ảnh được cung cấp bởi Sixteen Miles Out trên Unsplash
3/ Đồng trí (trí trong trí tuệ): Cùng một nhân sinh quan
Nhân sinh quan là cách con người nhìn nhận cuộc đời hay cái đạo làm người của chúng ta. Đây thật sự là điều cần được thấu hiểu bởi bản thân và người yêu. Đồng trí hay đầy đủ là đồng trí tuệ, khi cả hai có cái nhìn về thế giới, xã hội, về cách làm người, về sự cảm với đời có điểm tương đồng thì sẽ dễ dàng tạo luồng sinh khí, tần số năng lượng hòa nhịp với nhau.
Tất nhiên không phải lúc nào cả hai cũng đều hòa hợp hết mọi thứ. Đó là cả một hành trình của mỗi cặp đôi trên con đường cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau tìm người thầy tốt, xây dựng nhóm bạn hiền, có tủ sách hay để cùng mở trí.
Mỗi người đều nỗ lực để có thể tìm điểm giao của trí nhưng không phải là bắt buộc bản thân hay đối phương phải theo quy chuẩn của nhau. Mà tự mỗi người hãy thể hiện, hãy quan sát, rồi tự ngộ ra mình nên làm gì để đồng điệu về nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan hơn. Làm được như vậy thì tất sẽ có duyên lành gửi đến để kết nối cả hai.
Hình ảnh được cung cấp bởi Alex Shute trên Unsplash
4/ Đồng đức: Cùng một giá trị đạo đức
Những giá trị đạo đức ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống sẽ phản ánh phần nào ranh giới, giới hạn của bản thân cho một lĩnh vực nào đó. Cả hai cần biết ở đâu mình thấy thoải mái, và như thế nào thì nên dừng lại để không tổn hại bản thân, không tổn hại người khác. Khi đồng điệu về giá trị đạo đức thì mỗi người sẽ hiểu được phần nào hành động của đối phương, và không làm mâu thuẫn nội tâm của chính mình.
Tất nhiên không có gì là trùng lắp hoàn toàn, vì những cái nghe, thấy, nói, biết, quan niệm hình thành ở mỗi người là thứ mang đặc trưng riêng. Quan trọng là mình biết giá trị đạo đức của nhau để bảo vệ mình, bảo vệ người ấy, cũng như không phán xét hành động của họ vì mỗi người sẽ có hai chữ “phù hợp” của riêng mình.
Hình ảnh được cung cấp bởi Kari Shea trên Unsplash
Lời kết
Mối quan hệ được lâu dài và bền vững không chỉ dừng lại ở những cảm xúc rung động ban đầu, mà là cả một hành trình trưởng thành của mỗi người. Đó là học cách yêu, dung hòa, xây dựng những giá trị đồng điệu về sự thể hiện tình cảm, niềm tin trong cuộc sống, nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan và giá trị đạo đức.
Ngoài ra còn có vấn đề về tốc độ phát triển và thay đổi của mỗi người trong quá trình bên nhau. Nếu hai bên lệch quá thì cũng ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ. Hãy nhớ khi chúng ta bước vào một mối quan hệ, ta và người ấy giống như một nhóm nên kỹ năng teamwork với nhau cũng rất quan trọng.
Danh mục khám phá
Để yêu lâu mà không chán thì nên làm gì?
Những cảm xúc khi tình yêu bắt đầu mới tuyệt vời làm sao: chiếc kính màu hồng luôn xuất hiện mỗi khi nhìn người ấy. Rồi bỗng đến lúc người trong cuộc tự nhiên thấy “ôi sao chán quá” cùng nhiều mâu thuẫn phát sinh. Đó là khi một giai đoạn phát triển mới của mối quan hệ sắp được hình thành. Phiên bản chân thật của nhau được phô diễn rõ nét hơn bao giờ hết. Đây là thử thách để xem liệu cả hai có đủ bản lĩnh chấp nhận, đủ mở rộng trái tim cho những khía cạnh khác của nhau hay không. Lúc này sẽ cần mỗi người bắt đầu học cách để yêu lâu thật chất lượng, để yêu lâu mà không chán. Vậy ta cần học như thế nào?
Vẫn luôn có nhiều điều mới ở người ấy
Yêu lâu giúp mình phần nào hiểu được tính cách của cả hai, để có sự tinh tế trong hành động thể hiện tình cảm. Nhưng không thể mặc định rằng không còn gì để thấu cảm, để tìm hiểu. Vẫn luôn có nhiều điều mới ở người ấy, ở chính mình bởi ai cũng luôn thay đổi theo thời gian, luôn muốn phát triển bản thân tốt hơn.
Tình yêu là một trong những điều tuyệt vời của cuộc sống. Đó không chỉ là sự thăng hoa với những cảm xúc rung động, hạnh phúc khi được gần nhau, mà còn cả giây phút vỡ òa khi nhận thấy cả hai cùng trưởng thành hơn, cùng văn minh hơn với những quyết định trong mối quan hệ. Sẽ luôn có nhiều sự việc mà chưa bao giờ xảy đến với mối quan hệ. Nhưng chúng đến là để ta học cách lớn hơn, học cách đối diện với sự việc bình thản, và sáng tạo nhiều hướng đi cho mối quan hệ đẹp hơn, sâu sắc hơn.
Hình ảnh được cung cấp bởi Alvin Mahmudov trên Unsplash
Yêu để trưởng thành
Yêu không chỉ là những lần hẹn hò, nắm tay, hôn nhau, hỏi han anh/em thích gì, mà theo năm tháng sẽ dần mở rộng về sự kết nối tâm giao, tinh thần, nâng đỡ nhau phát triển về nhân sinh quan. Dần dà, mình đi sâu vào tâm khảm của nhau hơn, chứ không dừng lại ở mặt cảm xúc hưng phấn, kích thích, bồi hồi như khi mới bắt đầu.
Mối quan hệ sẽ luôn đi lên những nấc thang mới. Cả hai sẽ đối diện với nhiều điều ngược nhau mà đòi hỏi phải cùng nhau nói chuyện rõ ràng, trao đổi đến khi không còn bất kì vướng mắc nào trong lòng. Một hành trình nhìn nhận lại mình, nhìn lại đối phương, và học cách làm sao để ngôn từ mình nói với nhau giúp mối quan hệ phát triển. Cấp độ đối nhân xử thế, văn minh trong chuyện tình được “nâng tầm cao mới” sau mỗi lần thử thách tìm ra điểm dung hòa.
Yêu và cùng xây dựng 4 chữ Đ
Đồng tâm, cùng cách thể hiện tình cảm: có thể là hai bên cùng một ngôn ngữ tình yêu, cùng một cách thể hiện tình cảm. Hoặc đồng tâm cũng có thể là sẵn sàng chia sẻ để hiểu, để biết mình nên làm gì khi muốn thể hiện sự yêu thương.
Đồng tin, cùng niềm tin trong trong cuộc sống: khi có thể xây dựng được những hệ giá trị trong cuộc sống có nhiều điểm tương đồng, cả hai trong mối quan hệ sẽ cảm nhận năng lượng phát triển của nhau.
Hình ảnh được cung cấp bởi Jonas Weckschmied trên Unsplash
Đồng trí tuệ, cùng nhân sinh quan: cả hai có cái nhìn về thế giới, xã hội, về cách làm người, về sự cảm với đời có điểm tương đồng thì sẽ dễ dàng tạo luồng sinh khí, tần số năng lượng hòa nhịp với nhau.
Đồng đức, cùng giá trị đạo đức: đồng điệu về giá trị đạo đức thì mỗi người sẽ hiểu được phần nào ranh giới an toàn, hành động của đối phương, và không làm mâu thuẫn nội tâm của chính mình.
Ghi nhận những điểm sáng của nhau
Khi quyết định nắm tay nhau, chắc chắn ở mỗi người ban đầu luôn là hình ảnh đẹp trong mắt đối phương. Nhưng theo tháng năm, chúng ta lại thấy đó là điều hiển nhiên. Đến khi mặt “xấu” lộ ra thì người ta dễ có xu hướng chỉ tập trung vào đó rồi quên đi những điểm sáng ở người ấy. Trong hàng tỉ người, mình quyết định trở thành người đặc biệt của nhau thì SEBT nghĩ điều nên làm là ghi nhận những điều tốt, nói cảm ơn, nói lời yêu chân thành với người ấy một cách thường xuyên.
Nguồn năng lượng ghi nhận, trân trọng, biết ơn mang đến sự cổ vũ rất lớn cho đối phương. Họ cảm thấy có một người đặt niềm tin tích cực vào họ, cho họ động lực tiến lên để nỗ lực hết mình. Điều này sẽ vun vén rất nhiều để làm đầy mối quan hệ.
Yêu lâu cùng những bước tiến về trải nghiệm cảm xúc
Chán là thứ cảm xúc dễ gặp trong cuộc sống. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ tích cực thì chán giống như một động lực để bản thân cần tìm ra cái mới từ những thứ đã “cũ”.
Yêu lâu sẽ có lúc mất cảm xúc, nhưng đó là bước chuyển cần thiết tiến vào tầng sâu hơn của mối quan hệ chứ không dừng lại ở bề nổi. Đó là sự gắn kết, sự an toàn, sự lột tả bản thân, sự ở bên vì cần có nhau, vì thấy hình ảnh của nhau ở hiện tại và những dự định trong tương lai.
Hình ảnh được cung cấp bởi Elizabeth Tsung trên Unsplash
Lời kết
Tình vẫn nồng khi ta trân trọng, ghi nhận hình ảnh của nhau ngay lúc này đây. Đó cũng là “Happy Ending” chứ không nhất thiết phải đạt một cột mốc nào đó như kết hôn sinh con. Để làm được như vậy, ta cần học cách duy trì ngọn lửa tình, không cần phải cháy nồng nhiệt nhưng luôn đủ ấm đặng đi bên nhau được lâu dài.
5:1 – Tỉ lệ kỳ diệu tạo nên mối quan hệ lành mạnh theo nghiên cứu khoa học
Có nhiều yếu tố xây dựng nên mối quan hệ lành mạnh. Nhưng chuyện tình cảm liệu có thể đo lường bằng một con số cụ thể không? Câu trả lời là CÓ. Các nhà nghiên cứu về mối quan hệ đã thực sự xác định chính xác tỷ lệ kỳ diệu tạo nên mối quan hệ tình cảm lành mạnh và bền lâu cho các cặp đôi.
5:1 – Tỷ lệ kỳ diệu tạo nên mối quan hệ lành mạnh
Trong những năm 1970 và 1980, các nhà tâm lý học John Gottman, Ph.D., và Robert Levenson, Ph.D., đã tiến hành nghiên cứu cách các cặp đôi tương tác với nhau và mối quan hệ của họ diễn ra như thế nào trong vài năm (*).
Dựa trên những phát hiện của họ, Gottman đã xác định được “tỷ lệ 5:1 kỳ diệu” cho sự thành công trong mối quan hệ: cứ 1 cảm xúc hoặc tương tác tiêu cực giữa các cặp đôi thì phải có 5 cảm xúc hoặc tương tác tích cực bù lại. Các mối quan hệ ổn định và hạnh phúc thường chia sẻ nhiều cảm xúc và hành động tích cực hơn là tiêu cực.
Hình ảnh được cung cấp bởi Roman Kraft trên Unsplash
Tương tác tích cực bao gồm các hành động như cùng nhau cười đùa, thân mật gần gũi nhau hoặc những lúc hai bạn đánh giá cao tình cảm của đối phương dành cho mình. Tương tác tiêu cực có thể bao gồm những khoảnh khắc chỉ trích, căng thẳng, oán giận, căng thẳng về tương lai của mối quan hệ…
Bạn có thể đo lường bằng cách cuối ngày viết ra danh sách các tương tác giữa hai người và đếm xem số lượng tương tác tích cực so với tiêu cực.
Tỷ lệ 5:1 có thể xem như một loại tài khoản ngân hàng tình yêu. Các tương tác tích cực làm đầy tài khoản ngân hàng, trong khi các tương tác tiêu cực làm cạn kiệt tài khoản.
Bạn nên giữ tài khoản ngân hàng tình yêu luôn đầy ở mức để khi bạn cần rút ra, ví dụ mối quan hệ đang có hiểu lầm, cãi vã hoặc sau một khoảng thời gian xa cách thì tài khoản ngân hàng sẽ giúp chữa lành và hàn gắn mối quan hệ tốt hơn.
Nghiên cứu của Gottman cho thấy các cặp vợ chồng có tỷ lệ giữa tương tác tích cực và tiêu cực thấp hơn 5:1 (chẳng hạn như tỷ lệ 1:1) có nhiều khả năng ly hôn hơn.
Và theo Gottman, tỷ lệ giữa tương tác tích cực và tiêu cực trong các mối quan hệ thành công thực sự lên tới 20:1. Đó là 20 tương tác tích cực cho mỗi tương tác tiêu cực. Nói cách khác, trong các mối quan hệ lành mạnh, phần lớn thời gian hai người luôn trong trạng thái thoải mái và đong đầy tình cảm.
Hình ảnh được cung cấp Oziel Gómez trên Unsplash
Điều này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ của bạn?
Tỷ lệ kỳ diệu 5:1 là một cách hữu ích để kiểm tra tình trạng mối quan hệ của bạn. Nếu sự tiêu cực hiện diện quá mức trong mối quan hệ của bạn thì đó là dấu hiệu cho thấy hai bạn cần nghiêm túc nhìn nhận và giải quyết.
Khi sự tiêu cực kéo dài, hai người càng xa cách nhau vì không còn thấy được trân trọng, yêu thương nữa. Cuối cùng, họ không thể chịu đựng được rồi dẫn đến chia tay. Hoặc họ vẫn ở trong mối quan hệ vì nuối tiếc, và sự tiêu cực mang đến nhiều căng thẳng hơn niềm vui, từ từ ăn mòn sức khỏe tinh thần của họ theo thời gian.
Chắc chắn mối quan hệ nào cũng trải qua những thăng trầm. Khi cuộc sống của bạn có thêm sự hiện diện của một người khác thì luôn đi kèm với những thách thức phải vượt qua vì không có hai con người nào hoàn toàn giống nhau nên không thể tránh khỏi việc hai người sẽ có lúc làm tổn thương nhau.
Hình ảnh được cung cấp bởi Joseph Chan trên Unsplash
Vì vậy, điều quan trọng là các cặp đôi phải nỗ lực để cải thiện mối quan hệ, giảm thiểu những hành vi gây tổn thương cho nhau và tập trung phát huy những điều giúp mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
(*) https://www.gottman.com/blog/the-magic-relationship-ratio-according-science/
Vì sao khiếu hài hước có thể giúp đời sống tình dục tốt hơn?
Theo một nghiên cứu mới đây, khả năng pha trò và đùa giỡn có thể giúp mối quan hệ thêm lâu bền và khiến đời sống tình dục tốt hơn. Nhưng ta vẫn cần những ranh giới rõ ràng để tránh việc pha trò trở nên khó chịu với đối phương.
Cụ thể, theo nghiên cứu mới của các nhà tâm lý học người Đức tại Đại học Martin Luther University Halle-Wittenberg (*), họ đã tiến hành nghiên cứu sức khỏe của hơn 150 cặp đôi để khám phá vai trò của tiếng cười trong đời sống tình cảm.
Kết quả, họ phát hiện các mối quan hệ hay đùa giỡn pha trò với nhau sẽ có sức hấp dẫn thể xác mạnh mẽ với nhau hơn, và đời sống tình dục cũng tốt hơn so với những cặp không thích hoặc không thể đùa giỡn với nhau. Đúng thật các cụ nhà ta nói không sai, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ!
Tiến sĩ Rachel Voysey, nhà tâm lý học chuyên về các mối quan hệ, cho biết sự hài hước, vui vẻ có mối liên hệ chặt chẽ với ham muốn, sự tin tưởng, lòng tốt, lòng trắc ẩn. Tất cả những điều này thúc đẩy mối quan hệ không ngừng phát triển thay vì trở nên trì trệ.
Hình ảnh được cung cấp bởi Danie Franco trên Unsplash
Khi mối quan hệ phát triển, cộng với tiếng cười đùa pha trò thường xuất hiện giữa hai người thì sẽ giữ mối quan hệ luôn thú vị, mới mẻ; năng lượng của sự đam mê cũng luôn căng tràn. Hơn nữa, tiếng cười cũng giải phóng hormone hạnh phúc, mà con người luôn nghiện những cảm xúc hạnh phúc và vui vẻ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ khi đùa giỡn với nhau là phải biết có chừng mực và hiểu rõ điều gì khiến đối phương thấy hài hước còn điều gì thì không. Ví dụ đối với một số người, đem ngoại hình ra đùa giỡn là chuyện bình thường trong khi có những người lại xem chuyện đó như một sự xúc phạm.
Nên có không ít cặp đôi đã cãi nhau vì một câu nói đùa của đối phương do đã vượt quá giới hạn. Ranh giới giữa hài hước và vô duyên rất mong manh. Đây là dấu hiệu cho thấy hai bên cần bình tĩnh ngồi xuống và xem xét câu nói đùa ấy đã chạm vào “vảy ngược” của đối phương ở điểm nào, để từ đó rút kinh nghiệm cho lần sau.
Tóm lại, nghiên cứu khoa học đã cho thấy khiếu hài hước có thể giúp mối quan hệ trở nên bền chặt và đời sống tình dục thêm tốt hơn.
Hiện tại bạn với người ấy có hay cười đùa trêu chọc nhau không?
(*) https://www.sciencedaily.com/releases/2018/10/181016094417.htm
Nếu mình chỉ yêu nhưng không cưới thì sao?
Một hình ảnh khá thân quen với chúng ta là yêu nhau đủ, cặp đôi sẽ đi đến đám cưới như sự đơm hoa kết trái đầu tiên cho chuyện tình. Nó như một hành trình mới với sự gắn bó, trách nhiệm cao hơn giữa hai người. Nhưng có nhất thiết phải yêu rồi cưới không?
Ý nghĩa hôn nhân
Ngày nay, kết hôn có thể được xem như một món quà tuyệt vời cho chuyện tình đủ chín muồi. Sẽ có gắn kết nhiều hơn, về trách nhiệm tinh thần, về dự định có con, nuôi dưỡng con, cũng như tài sản vật chất theo pháp lý. Đa phần đó như một cách xây dựng tổ ấm mà mỗi người cần nỗ lực để vun vén, để phát triển và có thể trở thành nơi tiếp thêm động lực, xoa dịu những khó khăn, tưới mát tâm hồn sau những bộn bề.
Một đám cưới hạnh phúc, tiếp nối là cuộc sống hôn nhân viên mãn cùng những lần nắm tay vượt qua thử thách để dung hòa hai vũ trụ khác nhau – đó là điều nhiều bạn hướng đến. Nhưng có thể nó không nằm trong mục tiêu cuộc đời của tất cả.
Hình ảnh được cung cấp bởi Beatriz Pérez Moya trên Unsplash
Ngẫm lại một chút
Thế giới chúng ta đang sống mang tính đa chiều nhiều hơn so với trước đây. Mỗi người đều có quan điểm, ước mơ, đều có cái riêng, không ai giống ai. Vì thế định nghĩa cho một sự gắn kết bền chặt hơn của tình yêu cũng trở nên đa dạng. Không phải lúc nào tất cả cũng đều chọn yêu để cưới, để tiến đến hôn nhân. Đơn giản, khi yêu họ muốn được cảm nhận cảm xúc ở gần đối phương vì chính họ, chính con người thật của mỗi người mà thôi.
Cũng giống như trước đây chúng ta chỉ thấy những đám cưới giữa nam và nữ. Bây giờ thì đa dạng hơn giữa các cặp đôi trong cộng đồng LGBTQIA+. Ban đầu chắc chắn sẽ có những ngỡ ngàng, nhưng dần chúng ta thấy điều đó rất bình thường và đáng được tôn trọng. Bởi mỗi người đang được sống cuộc đời mà họ muốn.
Hình ảnh hôn nhân trong tâm trí
Thật ra hình ảnh hôn nhân trong tâm trí mỗi người sẽ rất khác nhau, nó tùy thuộc vào những gì họ đã từng nghe, thấy, biết về kết hôn. Có thể từ văn hóa ở nơi họ sống, có thể từ ảnh hưởng của cha mẹ, của những người thân, của những kỉ niệm liên quan đến đám cưới. Cũng như từ sự tìm hiểu của họ về hôn nhân, và từ chính trong cảm nhận chân thật của con người họ. Vì thế hình ảnh hôn nhân có thể không phải lúc nào cũng gắn với sự phát triển mới hơn, sâu sắc hơn cho cuộc tình.
Hình ảnh được cung cấp bởi Alexander Grey trên Unsplash
Tình yêu là phần có thể thay đổi trong cấu trúc con người
Trong cấu trúc con người, tình yêu là phần thuộc về mặt cảm xúc, phân lớp có thể thay đổi, và phổ quát rất rộng. Ở mỗi người có những rung động về từng tầng bậc trạng thái buồn vui, gắn bó với người yêu là khác nhau. Nên để liên đới với hôn nhân, để khẳng định chắc chắn yêu là phải cưới thì mới lâu dài, thì mới tuyệt vời thì thật sự rất khó mà khẳng định được như vậy. Có những cảm nhận yêu, dù ở xa họ vẫn thấy gắn kết, và không nhất thiết phải cưới thì mới nắm tay lâu dài. Nhận thức của con người rất đa dạng, có những suy nghĩ vượt qua cả những điều thông thường mà chỉ mỗi người mới “chạm” được đến.
Yêu nhưng không cưới
Có thể vì một tác động tổn thương thời thơ ấu khiến một người không lựa chọn hôn nhân. Hoặc có thể chỉ đơn thuần họ không thấy việc kết hôn cần thiết hay hấp dẫn để quyết định yêu rồi cưới. Nó cũng chẳng thể nói lên tình yêu của họ lớn hay nhỏ. Thật sự tình cảm chân thành của một người dành cho mình, bản thân sẽ đủ cảm, đủ biết được trong quá trình trưởng thành, va chạm với cuộc sống. Nên nếu đối phương lựa chọn yêu nhưng không cưới, bạn hãy lắng nghe câu chuyện đằng sau đó, để hiểu người ấy hơn, để bình tâm quyết định mình và đối phương nên tiếp tục hay cho nhau hướng đi mới.
Hình ảnh được cung cấp bởi Timo Stern trên Unsplash
Sự sẻ chia
Quan trọng vẫn là sự chia sẻ từ tận đáy lòng những quan điểm của nhau ở những vấn đề liên quan đến mối quan hệ yêu đương, như tình dục, hôn nhân, sự phát triển của mỗi người, để có được bức tranh tổng quát về cả hai. Càng rõ ràng, bạn sẽ càng dễ lựa chọn, quyết định sáng suốt và thống nhất với nhau. Chứ không quá rập khuôn một quy chuẩn nào cho người mình yêu.
Lời kết
Yêu nhưng không cưới cũng là một lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn cảm thấy điều đó mang lại cuộc sống ý nghĩa, vui vẻ thì cũng xứng đáng để bạn quyết định. Vì hai chữ “hạnh phúc” là tự bản thân cảm nhận và thấy nên làm gì là phù hợp.
Nguồn tham khảo
+ 13 Facts on the History of Marriage | Live Science
+ Love, Actually: The science behind lust, attraction, and companionship – Science in the News (harvard.edu)
Ta có nên tin vào những lời hứa hẹn trong khi đang làm tình?
Tình yêu. Ham muốn. Đam mê. Sự kích thích. Niềm khoái cảm. Người ta không bao giờ thực sự biết điều gì đang xảy ra giữa những tấm ga trải giường với hai cơ thể trần trụi. Đó là một mớ hỗn độn của cảm giác, cảm xúc và bất cứ thứ gì khác đi kèm với tình dục. Đó là những khoảnh khắc trần trụi nhất, táo bạo nhất mà cũng siêu việt nhất khi có thể biến cả người cứng nhắc nhất trở thành một người tình ấm áp.
Trong những khoảnh khắc bộc lộ rõ bản chất của mình ấy, điều gì là thật và điều gì chỉ là hư ảo cũng khó nắm bắt như làn sương dày đặc đang bao quanh bạn. Những lời nói quan tâm, những lời thề thốt yêu đương mà bạn hoặc đối phương nghe được trong khi ân ái như “Anh sẽ yêu em mãi mãi”, “Thôi để anh xuất ngoài chứ thấy thương em quá”, “Cuối tuần này anh dẫn em về gặp nhà anh nhé”…
Hình ảnh được cung cấp bởi stokpic từ Pixabay
Liệu có bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó? Liệu chúng ta có nên tin vào những lời nói yêu thương xuất hiện trên bờ môi của một người có ánh mắt đang chìm trong cơn say của ái tình?
Thật đáng tiếc khi câu trả lời là không. Bạn đừng nên tin tưởng vào bất cứ lời nói nào của đối phương, hay của chính mình, khi cả hai đang chìm trong vòng xoáy của tình dục.
Bởi lúc ấy, cả cơ thể chúng ta bị ảnh hưởng bởi một loạt hormone sản sinh như dopamine, serotonin; kèm theo đó là nhiều phần của não bị giảm kích hoạt đáng kể như vùng não liên quan đến kiểm soát hành vi, sợ hãi và lo lắng [1].
Vỏ não trước tham gia nhiều vào lý luận đạo đức và phán đoán xã hội, cả hai đều bị ức chế khi đạt cực khoái, dẫn đến những người đang trong cơn cao trào bị thiếu đi phán đoán đạo đức và suy nghĩ tự quy chiếu. [1]
Đây có lẽ là lý do một số người mô tả rằng họ “đánh mất bản thân” khi quan hệ tình dục. SEBT xin dẫn ra một trích đoạn từ bộ phim Don Jon (2013) để minh họa cho quan điểm:
“[…] chúng tôi đang làm tình. Và trong khi chúng tôi đang làm điều đó, tất cả những điều nhảm nhí sẽ biến mất, chỉ có tôi và cô ấy ở đó, và vâng, tôi đánh mất chính mình trong cô ấy. Và tôi có thể nói rằng cô ấy đang đánh mất chính mình trong tôi. Và chúng tôi chỉ là lạc lối cùng nhau.”
Nguồn ảnh: kenh14
Vì thiếu đi sự phán đoán cũng như bị cuốn theo dòng cảm xúc và hormone đang tăng nên chúng ta dễ nói ra những điều ngọt ngào mà đối phương muốn nghe nhất. Để rồi khi cơn cao trào qua đi, hormone sụt giảm thì sự tỉnh táo trở lại, cuộc sống hiện thực thay thế cho tấm ga giường. Những lời hứa hẹn và tuyên bố giờ chỉ còn là ký ức thoáng qua về một đêm say tình ái.
Đối phương có thể thực hiện lời hứa hoặc không, đó thuộc về sự lựa chọn của họ. Nhưng nếu không thì điều đó cũng không đồng nghĩa họ cố tình lừa dối bạn để cởi bỏ lớp quần áo.
Có lẽ trong cơn say tình ái ấy, họ đã cảm nhận được tình yêu, đã khao khát tình cảm và sự quan tâm của bạn, đã nghĩ rằng mình yêu bạn. Nhưng sau đó, thực tế bắt đầu và lời nói chỉ trở thành lời nói. Họ có thể hơi xấu hổ, theo cách mà một người say rượu nửa tỉnh nửa mê nhớ lại những ký ức của đêm qua.
Hình ảnh được cung cấp bởi NoName_13 từ Pixabay
Xét cho cùng, cảm giác yêu thương và mê đắm của đối phương có thể là thật dù chỉ tồn tại trong vài giây hoặc vài phút. Vì vậy, bạn đừng bao giờ coi trọng và chờ mong những lời hứa hẹn trên giường. Học cách lắng nghe nó, tận hưởng nó và để nó trôi đi. Nhưng không có nghĩa là bạn không nên nói gì khi “yêu” mà hãy xem nó như một gia vị giúp cuộc làm tình thêm cháy bỏng. Và muốn biết nó có giá trị hay không, hãy nhìn hành động của đối phương sau khi mặc trang phục chỉnh tề và bước ra khỏi phòng ngủ.
Còn nếu bạn muốn chia sẻ hay thổ lộ mang ý khẳng định và nghiêm túc thì hãy chọn lúc hai bên tỉnh táo và bình tĩnh nhất.
Nguồn thông tin trong bài:
[1] Georgiadis, J. R., Kortekaas, R., Kuipers, R., Nieuwenburg, A., Pruim, J., Reinders, A. A. T., & Holstege, G. (2006). Regional cerebral blood flow changes associated with clitorally induced orgasm in healthy women. European Journal of Neuroscience, 24(11), 3305-3316.