Tâm lý học đằng sau sở thích quan hệ nơi công cộng

Tác giả: Ngưn

Nếu bạn mang tính cách nổi loạn hoặc thích mấy cái “dị dị” thì quan hệ tình dục nơi công cộng có lẽ nằm chễm chệ trong danh sách những việc phải làm trước khi c.hết của mình. Từ quan hệ đầy ướt át ngoài ban công phòng khách sạn cho đến những cú thập thò ở cửa thoát hiểm của tòa nhà, dù bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị phát hiện nhưng chừng đó vẫn khiến một số người cảm thấy thích thú và sẵn sàng mạo hiểm.

Vậy tâm lý học đằng sau sở thích quan hệ nơi công cộng là gì?

Khách quan mà nói thì không phải ai cũng có thú vui này. Với những người muốn chuyện làm tình của mình phải thật lãng mạn và thiêng liêng thì sẽ “chờ ê chê” các kiểu quan hệ trong một con hẻm tối tăm hoặc giữa núi rừng đầy tiếng muỗi vo ve bên tai.

Quan hệ tình dục trên ô tô có lẽ là kiểu “public” phổ biến nhưng cũng không phải là sở thích của nhiều người. Bởi nó chật chội, ngột ngạt, hoạt động không thoải mái và cũng đầy tính rủi ro.

Còn quan hệ trên bãi biển, nghe thì thích thú và lãng mạn đấy cho đến khi bạn nhận ra cát phủ đầy vùng kín và lo sợ nguy cơ bị viêm nhiễm sau khi cơn kích thích qua đi.

Hình ảnh được cung cấp bởi Khadeeja Yasser trên Unsplash

Nhưng dù vậy, vẫn có không ít người bất chấp tất cả để được trải nghiệm quan hệ nơi công cộng. Một trong những lý do được đưa ra về mặt khoa học là vì phản ứng hóa học trong não chúng ta.

Khi quan hệ nơi công cộng, não giải phóng hóc môn thần kinh dopamine. Mỗi khi chúng ta làm cái gì đó tạo sự phấn khích như lái xe máy ở tốc độ cao hoặc nhảy bungee thì sẽ giải phóng dopamine. Nó mang đến cảm giác dễ chịu, sự thỏa mãn và niềm vui tức thì. Cơn đạt cực khoái do dopamine tiết ra khi có sự kích thích cao độ trông gần giống như khi chúng ta sử dụng “mai thúy” vậy.

Nhưng khi làm tình nơi công cộng, bạn không thể kiểm soát được mọi thứ. Bạn luôn trong tâm thế hồi hộp sợ bị bắt gặp. Ngay cả môi trường xung quanh cũng vậy, có thể vài phút trước còn đang gió thổi mát mẻ thì vài phút sau, không khí chợt nóng dần. Mà đây là không khí trong lành nguyên sơ chứ không phải dạng nhân tạo của máy lạnh trong phòng kín. Cái cảm giác nguyên sơ ấy chạm vào da thịt để cảm nhận sự thay đổi về nhiệt độ cũng mang đến sức hấp dẫn, mới mẻ, từ đó làm tăng ham muốn và niềm đam mê.

Hình ảnh được cung cấp bởi frank mckenna trên Unsplash

Một lý do khác được kể đến là vì sự nhầm lẫn của não bộ. Theo tiến sĩ Paul Dobransky, một bác sĩ tâm thần và tác giả của cuốn sách “The Secret Psychology of How We Fall in Love”, con người có hai loại bản năng cốt lõi: sinh tồn và sinh sản.

Vì vậy ta có thể chia kích thích thành hai loại: kích thích nguy hiểm nhằm kêu gọi đứng lên chiến đấu hoặc bỏ chạy để sinh tồn; và kích thích tình dục để kêu gọi sinh sản.

Chúng là hai mặt của cùng một đồng xu nhưng não của chúng ta không phải lúc nào cũng nhận biết được sự khác biệt và có thể dễ dàng nhầm lẫn giữa chúng.

Trong khi đó quan hệ nơi công cộng là một hoạt động mang đến rủi ro (bị bắt gặp, bị quay lén, bị phạt), và nếu thoát được thì sẽ “sống”. Do đó, não có thể nhầm lẫn điều này với bản năng sinh tồn và tạo nên kích thích nguy hiểm, khiến chúng ta làm tình giữa cảm giác hồi hộp và lo lắng.

Như vậy, về góc độ khoa học và tâm lý thì chuyện thích quan hệ nơi công cộng cũng là bình thường, không có gì sai trái. Nhưng bạn cần phải đảm bảo sự đồng thuận và an toàn.

Hình ảnh được cung cấp bởi Pawel Czerwinski trên Unsplash

Đồng thuận ở đây không chỉ đến từ người trong cuộc mà cả những người xung quanh. Không phải ai cũng muốn được xem màn trình diễn 18+ từ hai bạn nên đừng chọn những nơi đông đúc người như rạp chiếu phim hay bãi biển công cộng. Thay vào đó, hãy chọn những nơi vắng vẻ như rừng núi.

Còn về an toàn thì dù hoạt động tình dục kiểu gì, bạn cũng cần đảm bảo tính an toàn như luôn chuẩn bị sẵn bao cao su, gel bôi trơn; và sau khi hành sự xong thì dọn dẹp sạch sẽ để bảo vệ môi trường. Hãy là những người làm tình văn minh và có trách nhiệm.

Bạn có thể xem video [5′ Mạnh Dạn] E9 – Đổi Gió Mùa Hè Với Q.u.a.n H.ệ “Outdoor” | CCS | SEBT để tham khảo thêm các mẹo “public” an toàn.

Nguồn thông tin:

The Psychology Behind Having Sex In Public Is Thrilling (elitedaily.com)

Chia sẻ
Sao chép link
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tác giả: Ngưn

Tình dục tự phát và theo kế hoạch: Cái nào sẽ thỏa mãn hơn?

Hầu hết mọi người đều tin rằng quan hệ kiểu tự phát sẽ thỏa mãn và kích thích hơn là làm tình theo kế hoạch. Nhưng sự thật có đúng như thế không?

Một phần lý do cho niềm tin như trên là bị ảnh hưởng bởi phim ảnh: tình dục xuất hiện đa phần trong sự nóng bỏng, đam mê và diễn ra nhất thời chứ không hề được báo trước. Ngoài ra, trong khoảng thời gian mới yêu, ham muốn của chúng ta khi ấy đang cao nên tình dục kiểu tự phát là phổ biến nhất.

Tuy nhiên khi mối quan hệ phát triển theo năm tháng thì ham muốn sẽ giảm dần. Lý do là vì hai bên đã cảm thấy quen thuộc với nhau, không còn mới lạ như ban đầu. Nhưng còn một lý do quan trọng khác phải kể đến là nhu cầu của cuộc sống – cơm áo gạo tiền con cái – khiến bạn khó tìm được thời gian hoặc năng lượng cho chuyện tình dục.

Hỉnh ảnh được cung cấp bởi Dainis Graveris trên Unsplash

Trước tình hình như vậy thì hiển nhiên chúng ta không thể nào mong đợi bản thân hay người ấy bất chợt nổi hứng rồi đè nhau trên giường. Thực tế bận rộn của cuộc sống khiến chúng ta nhận ra rằng để giữ kết nối thân mật với nhau trong chuyện ấy, ta phải nghiêm túc lên kế hoạch rồi đặt lịch giống như lên lịch cho một cuộc họp quan trọng.

Nếu vậy tình dục theo kế hoạch sẽ ít thỏa mãn hơn không?

Một cuộc khảo sát do nhà tâm lý học Katarina Kovacevic của Đại học York (Canada) và các đồng nghiệp của cô thực hiện với 121 cặp đôi kéo dài ba tuần (*). Trước khi khảo sát bắt đầu, mỗi người sẽ ghi lại quan điểm của mình về tình dục tự phát và có kế hoạch, đánh giá mức độ thỏa mãn tình dục, ham muốn và đau khổ trong chuyện ấy nói chung của mình.

Sau đó trong 21 ngày tiếp theo, mỗi người tham gia sẽ cho biết liệu họ có quan hệ vào ngày nào không, và đó là tình dục kiểu tự phát hay theo kế hoạch. Họ cũng đánh giá mức độ thỏa mãn tình dục, ham muốn và đau khổ trong chuyện ấy của họ vào ngày hôm đó.

Mặc dù mọi người thường tin rằng quan hệ tự phát sẽ thỏa mãn hơn là theo kế hoạch, nhưng kết quả của cuộc khảo sát trên không cho thấy điều đó. 121 cặp đôi báo cáo rằng những cuộc làm tình theo kế hoạch của họ cũng thỏa mãn như những lần tự phát.

Hình ảnh được cung cấp bởi Estée Janssens trên Unsplash

Điều này cũng không có gì lạ nếu xét theo tâm lý học, các nghiên cứu đã chỉ ra niềm tin của mọi người thường không phù hợp với trải nghiệm thực tế của họ. Những niềm tin kiểu ấy thường dựa trên kỳ vọng, lầm tưởng của xã hội nhưng chưa tính đến chuyện các yếu tố xung quanh sẽ tác động đến tâm sinh lý của mỗi người.

Lúc mới yêu thì hai bên hấp dẫn mạnh mẽ với nhau và luôn tràn đầy ham muốn đè nhau mỗi khi có cơ hội. Tình dục kiểu tự phát sẽ cực thú vị và hưng phấn. Nhưng khi hai người đã ổn định trong một mối quan hệ lâu dài, lúc này cả hai bắt đầu đối mặt với hiện thực, với những nhu cầu khác trong cuộc sống hàng ngày, khiến cho cơ hội để quan hệ theo kiểu tự phát sẽ giảm dần.

Thay vào đó, tình dục lại bị len lỏi giữa những yêu cầu trong công việc hay chăm sóc con cái. Nếu không lên lịch để tìm khoảng trống thì thật khó mà giữ được chuyện chăn gối theo tần suất như mong muốn.

Mặt khác, việc lên lịch cho chuyện ấy giữa những bận rộn như vậy cũng là một tín hiệu cho thấy chuyện quan hệ của hai người quan trọng với nhau thế nào, và hai bạn đang nỗ lực để cải thiện và duy trì nó ra sao. Hơn nữa, hành động này còn ngầm thể hiện hai bên vẫn còn “thèm muốn” nhau.

Hình ảnh được cung cấp bởi Tyler Nix trên Unsplash

Chốt lại, tình dục tự phát hay theo kế hoạch đều mang đến thỏa mãn như nhau. Hãy lựa chọn sao cho phù hợp với thực tế hiện tại của mối quan hệ, có như vậy, hai bạn sẽ biết cách giữ “lửa” để đi bên nhau được dài lâu.

(*) Kovacevic, K., Tu, E., Rosen, N. O., Raposo, S., & Muise, A. (2023). Is spontaneous sex ideal? Beliefs and perceptions of spontaneous and planned sex and sexual satisfaction in romantic relationships. The Journal of Sex Research. Advance online publication. https://doi.org/10.1080/00224499.2022.2163611

Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Cơ thể “nói” gì khi chúng ta yêu?

Tình yêu là sự giao thoa giữa cảm nhận về mặt tâm lý, kết nối về mặt tinh thần, tâm trí và các quá trình sinh học trong cơ thể. Trong bài viết này, bạn hãy cùng SEBT lắng nghe lời tâm tình mà cơ thể muốn “nói” khi chúng ta yêu là gì nhé.

Tình yêu trong não bộ

Giai đoạn đầu tiên của tình yêu được các nhà tâm lý học gọi là mê đắm, hay tình yêu say đắm. Nó có liên quan đến vùng não VTA (ventral tegmental area) ở vùng dưới đồi, là trung tâm của sự tưởng thưởng, động lực, kích hoạt khi bạn được thỏa mãn những sở thích của mình về ăn uống hay bất kì điều gì khiến bạn sung sướng. Bởi nó giải phóng chất dẫn truyền thần kinh “cảm thấy tốt” là dopamine. Bên cạnh đó, tế bào thần kinh “nhận” nhiệm vụ cho tình yêu lãng mạn cũng khá đặc trưng hơn so với tình cảm liên quan đến bạn bè.

Quá trình kích hoạt ở vùng não này khá giống với việc khi con người sử dụng cocaine, vì thế có tính “gây nghiện”. Lúc tình yêu đang “màu hồng” đẹp đẽ này qua đi hay phải dừng lại do nhiều nguyên nhân, cơ thể sẽ thấy bồn chồn, ray rứt, lo âu, thậm chí mất ngủ.

Sự thư giãn, gắn kết

Ở trong mối quan hệ tình cảm một thời gian, hai bên dần tiến đến những cử chỉ thân mật hay những cái ôm đầy ấm áp. Tất cả giúp cơ thể tiết ra hormone oxytocin và vasopressin, mang lại sự thư giãn, dễ chịu, khiến chúng ta gắn kết sâu sắc với người thương.

Hình ảnh được cung cấp bởi Milad Fakurian trên Unsplash

Sự chuyển giao kích thích trong cảm xúc

Mỗi người là một vũ trụ riêng biệt nên sẽ có những lệch pha hoặc đôi điều chưa thuận ý nhau. Khi các bạn vượt qua được những lần mâu thuẫn thì đó sẽ như sự kích thích, làm cho tình cảm của bạn với người ấy thêm đậm sâu.

Bạn có thể hình dung điều này giống như mình đang nỗ lực để đạt được một thành tựu nào đó, đến khi chạm tới đích, bạn sẽ thấy vỡ òa vì đã mạnh mẽ chiến đấu, đương đầu với những tháng ngày chông gai. Điều này được gọi là sự chuyển giao kích thích trong cảm xúc. Thế nên những khác biệt giữa bạn và người yêu không phải là nguyên do dẫn đến đổ vỡ mà là bài học quý giá để mỗi người tự lớn hơn, trưởng thành hơn, cũng như giúp mối quan hệ phát triển hơn.

Tình yêu cùng trục đường ruột – não

Ruột còn được mệnh danh là bộ não thứ hai của cơ thể, quyết định một phần trạng thái tinh thần của cơ thể và đóng vai trò chính trong một số bệnh lý. “Bộ não thứ hai” chứa khoảng 100 triệu tế bào thần kinh, nhiều hơn cả trong tủy sống hoặc hệ thần kinh ngoại vi.

Bên cạnh đó, trục đường ruột – hệ vi sinh vật – não tạo điều kiện giao tiếp hai chiều giữa hệ vi sinh vật đường ruột và não bộ. Tình yêu lãng mạn không chỉ mang lại niềm vui mà còn liên quan đến việc tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột và lợi ích sức khỏe. Trong khi sự đa dạng của hệ vi sinh vật giảm có liên quan đến béo phì hay bệnh tim. Nên đôi khi nếu mối quan hệ tình cảm có vấn đề, cơ thể bắt đầu tự bảo vệ bằng cách khiến bạn lo lắng, khi ấy hệ đường ruột có thể “bệnh” theo. Đây là lý do vì sao khi “buồn tình”, cơ thể lại trở nên “phì nhiêu”.

Hình ảnh được cung cấp bởi Julius trên Unsplash

Ngoài ra, thần thái bạn trở nên tươi tỉnh hơn khi có chế độ ăn phù hợp. Bởi chế độ ăn không chỉ cung cấp dưỡng chất về mặt vật lý mà còn hỗ trợ cho tinh thần thông qua hệ não – ruột. Và khi từ trong chính bạn thấy hạnh phúc kết hợp với tình yêu trọn vẹn cùng người thương sẽ giúp sự chuyển hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng được diễn ra hiệu quả. Bạn trở nên khỏe hơn, đẹp hơn cùng sự trợ lực của tình yêu.

Tình yêu và trái tim

Hình ảnh của tình yêu thường gắn liền với trái tim. Thực chất đây là sự điều khiển của hệ thần kinh thực vật, cụ thể hơn là hệ thần kinh giao cảm. Khi lần đầu bạn đứng trước người bạn thích, cơ thể tiết ra adrenaline, làm tim đập nhanh, hay lần đầu nắm tay người ấy, bạn có cảm giác như dòng điện cao thế Bắc – Nam chạy xẹt qua người bạn.

Đôi lúc, có lẽ vì quá dính mắc vào chuyện tình cảm nên khi không được như mong muốn, bạn thấy rất đau lòng. Hệ thần kinh giao cảm lại nhận được tín hiệu cần bảo vệ chủ nhân, làm tim đập nhanh hơn. Khi ngưỡng tổn thương mà cơ thể cảm nhận quá lớn, nó có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động của tim, làm tim “tan vỡ” cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Sức khỏe thể chất của bạn cũng rất quan trọng khi bạn yêu. Khi đó, sự lưu thông khí huyết được ổn định, hệ tuần hoàn, hệ tim mạch hoạt động nhịp nhàng, cho bạn năng lượng dồi dào để tự bảo vệ khỏi những tổn thương. Bên cạnh đó, bạn có đủ nguyên liệu để nuôi bộ não, cho “bạn ấy” sự tỉnh táo để có cái nhìn chân thật về người yêu, giúp bạn biết liệu người ấy có thật sự phù hợp với bạn hay không.

Hình ảnh được cung cấp bởi Laura Briedis trên Unsplash

Lời kết

Cơ thể chúng ta thật sự rất diệu kỳ và thông minh. Tình yêu lại là một món quà vô cùng tuyệt vời của tạo hóa. Nó vừa là đặc tính sinh học để làm nên sự kết nối giữa người với người, vừa là công cụ trợ lực cho bạn khỏe hơn, đẹp hơn, cũng như sống chất hơn. Vì thế, yêu thương chính mình là một trong những cách bạn có được hạnh phúc, có được năng lượng tích cực để thu hút những kết nối thật chất lượng.

Hãy yêu bản thân để có tình yêu thật đẹp, bạn nhé.

Nguồn tham khảo

Why Do We Associate Love With The Heart? | HuffPost Life
Love on the Brain | Science | AAAS
What does love do to your brain? | Live Science
The Butterflies In Stomach When You Experience Love | BetterHelp
Frontiers | Romantic Relationship Dissolution, Microbiota, and Fibers (frontiersin.org)
Love May Be Linked To The Bacteria In Our Mouths | KPBS Public Media
Shannon Odell: The science of falling in love | TED Talk
Towards a Neuroscience of Love: Olfaction, Attention and a Model of Neurohypophysial Hormone Action – PMC (nih.gov)

Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngưn

Làm tình mà không có cảm xúc thì nghĩa lý gì?

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường gắn tình dục đi liền với tình yêu. Rằng tình dục là “trái ngọt” của tình yêu – một hoạt động mà chúng ta dùng để bày tỏ cảm xúc yêu thương với nhau. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người không thể chấp nhận, thậm chí kỳ thị việc quan hệ tình dục mà thiếu vắng tình yêu. Họ cho rằng chỉ đàn ông mới làm được chuyện đó, còn phụ nữ sống thiên về tình cảm hơn nên khó có thể quan hệ xác thịt mà không nảy sinh cảm xúc được.

Thực sự tình dục và sự thiếu vắng cảm xúc là một chủ đề gây tranh cãi vì nó đề cập đến lý tưởng của chúng ta về mối quan hệ giữa tình dục và tình yêu. Nhưng để hiểu làm tình mà không có cảm xúc thì mang nghĩa lý gì, trước tiên, chúng ta cần hiểu đúng bản chất của cảm xúc.

Bản chất của cảm xúc là gì?

Cảm xúc thường được coi là trạng thái dễ chịu hoặc khó chịu, nhưng chúng phức tạp hơn thế rất nhiều.

Cảm xúc là những hệ thống đảm nhận nhiều công việc khác nhau – một trong số đó là thúc đẩy chúng ta làm một số việc nhất định. Bạn có thể coi chúng như những chiếc la bàn hướng dẫn, cung cấp cho chúng ta thông tin và thông báo cho chúng ta cách hành động dựa trên thông tin đó.

Ví dụ khi buồn, chúng ta có thể muốn khóc. Khi tức giận, chúng ta có thể muốn tự bảo vệ mình. Và khi vui, chúng ta có thể muốn ăn mừng bằng cách chia sẻ niềm vui với những người thân thiết với mình.

Hình ảnh được cung cấp bởi Tengyart trên Unsplash

Điều tương tự cũng xảy ra với tình dục. Để lên giường với ai đó, chúng ta cần có cảm xúc của ham muốn tình dục. Không có cảm xúc này, tình dục sẽ không xảy ra (ít nhất không phải là loại tình dục mang lại cảm giác dễ chịu và sảng khoái.)

Điều này đồng nghĩa làm tình mà không có cảm xúc là chuyện khó xảy ra trong thực tế. Bởi ngay cả khi chúng ta bị buộc phải quan hệ, chúng ta vẫn cảm thấy thứ cảm xúc mang tên tức giận, sợ hãi, lo lắng, xấu hổ, tội lỗi. Cảm xúc là một phần mà chúng ta không thể lay chuyển từ bên trong được.

Quan điểm “đàn ông dễ quan hệ mà không cần cảm xúc hơn là phụ nữ”

Khi nghĩ về tình dục mà thiếu vắng cảm xúc, nhiều người thường liên tưởng đến các mối quan hệ không ràng buộc như tình một đêm hay FWB (friend with benefits). Kèm theo đó là quan điểm đàn ông dễ quan hệ mà không cần cảm xúc, còn phụ nữ cho dù ban đầu không có cảm xúc thì sau một thời gian quan hệ xác thịt cũng sẽ nảy sinh tình cảm.

Quan điểm này dựa trên khuôn mẫu về giới, trong đó đàn ông được coi là sống nghiêng về lý trí hơn tình cảm, còn phụ nữ thì tình cảm hơn là lý trí.

Hình ảnh được cung cấp bởi Matheus Ferrero trên Unsplash

Nhưng bản chất của cảm xúc là quá trình sinh học tiến hóa mà tất cả chúng ta đều sở hữu, dù là nam hay nữ, dù bạn sinh ra và lớn lên ở đâu.

Hơn nữa, chuyện bạn muốn lên giường với ai đó là do bạn cảm thấy có ham muốn làm tình với người ta. Nó vẫn được tính là có cảm xúc chứ chẳng phải là không có.

Tuy nhiên, dù tình dục liên quan đến cảm xúc ham muốn nhưng nó cũng không có nghĩa bạn phải thấy tình cảm khi quan hệ, hoặc bạn phải thấy mình yêu và được yêu mới làm tình.

Bởi cảm xúc là một tập hợp các cảm giác khác nhau, bao gồm phấn khích, hưng phấn, yêu thương, gần gũi… Có người khi quan hệ thì cảm nhận được sự kết nối cả về thể xác lẫn trái tim. Nhưng cũng có người chỉ cảm thấy niềm vui xác thịt chứ không xuất hiện bất kỳ kết nối yêu thương nào.

Vậy tình dục và tình yêu có nhất thiết phải nắm tay đi với nhau không?

Khi chúng ta nói về cảm xúc, chúng ta thường đề cập đến việc cảm nhận những cảm xúc mạnh mẽ, chẳng hạn như hạnh phúc hay buồn bã và thể hiện chúng một cách cởi mở với người khác.

Khi nói đến tình dục, cảm xúc thường được nghĩ đến là cảm giác yêu hoặc say mê với người kia.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta gắn tình dục với tình yêu, đó là một trong những lý do khiến tình dục thiếu vắng tình yêu trở thành một điều cấm kỵ.

Hình ảnh được cung cấp bởi We-Vibe Toys trên Unsplash

Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì đúng là tình dục có thể trở thành một trải nghiệm đong đầy yêu thương. Nhưng điều này không biến tình dục mà thiếu vắng tình yêu trở thành thứ sai trái.

Lý tưởng của chúng ta về chế độ một vợ một chồng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn những người quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc những người quan hệ tình dục qua đường. Chúng ta cho họ là người hư hỏng, bệnh hoạn khi quan hệ tình dục nhưng lại không hình thành mối quan hệ tình cảm sâu sắc với đối phương.

Điều này không đúng. Tình dục vốn rất đa dạng và phong phú chứ không nằm trong một khuôn mẫu nào. Nó có thể là một trải nghiệm kết nối với cả trái tim và tâm hồn bạn. Nhưng nó cũng có thể chỉ là một hoạt động thuần về niềm vui xác thịt.

Tình dục không có đúng hay sai, chỉ là phù hợp với bạn tại thời điểm hiện tại hay không mà thôi.

Lược dịch từ: Sex And Lack Of Emotions: What Does It Mean? | Leigh Norén (leighnoren.com)

Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngưn

Vì sao người ta có những tưởng tượng về các hành vi tình dục mà họ không bao giờ thực hiện ngoài đời?

Một người có tưởng tượng về tình dục không đồng nghĩa họ hứng thú với việc thực hiện nó ngoài đời. Một phần lý do sinh ra tưởng tượng là để ta khám phá một sở thích, một sự tò mò, thậm chí có cả kinh tởm. Nếu ai đó nghe về một hành động tình dục gây ra cảm giác ghê tởm trong họ, có thể họ sẽ tự tạo một kịch bản mà ở đó, họ là người tham gia vào chính hành động mình thấy ghê tởm ấy. Lý do một phần là để xác nhận họ không quan tâm đến hành vi tình dục như vậy và một phần để cố gắng hiểu tại sao người khác lại thấy hành vi này hấp dẫn.

Hình ảnh được cung cấp bởi Foundry Co từ Pixabay

Tương tự với tưởng tượng vì tò mò. Họ muốn xem đây có phải là hành vi tình dục làm mình thấy hứng thú và quan tâm không. Nếu đúng như vậy, họ có thể tạo động lực để thực hiện ngoài đời. Nếu không, động lực sẽ bị chặn đứng.

Chúng ta có thể thấy quá trình này cũng giống với khái niệm “I” và “Me” (cái tôi) của nhà xã hội học người Mỹ George Herbert Mead. “I” chỉ hình thức thuần khiết của bản ngã, trong trường hợp ở bài viết này là những ham muốn hoặc thôi thúc. “Me” là hình thức xã hội của bản ngã. Trong mọi hành vi của mỗi người luôn có sự thương lượng nội bộ giữa “I” và “Me”.

Ví dụ, “I” muốn lừa dối vợ để ngoại tình với một cô nàng nóng bỏng. “Me” cảnh báo nếu làm như vậy, I sẽ làm tổn thương vợ mình, cuộc hôn nhân có thể đi đến hồi kết khiến I thấy tội lỗi, rồi bị gia đình, bạn bè kỳ thị. Bất chấp mong muốn bốc đồng của “I”, “Me” như một tảng đá chặt đứt quá trình chuyển từ mong muốn sang hành động. Những cuộc trò chuyện như vậy giữa “I” và “Me” xảy ra liên tục trong thế giới nội tâm của chúng ta vào những lúc ta tỉnh táo.

Nếu bạn có những tưởng tượng về hành vi tình dục bạn sẽ không thực hiện ngoài đời, đó là điều hoàn toàn bình thường.

Hình ảnh được cung cấp bởi Stas_F từ Pixabay

Một người có thể mơ tưởng về việc làm tình với người không phải vợ/chồng mình nhưng không thực hiện vì không muốn làm tổn thương bạn đời hoặc phải đối mặt sự kỳ thị. Một người khác tưởng tượng bản thân tham gia vào hành vi bạo dâm và khổ dâm (S&M), nhưng sẽ không muốn trải nghiệm trong thực tế vì sợ đau hoặc không thích chịu bị nhục nhã, giày vò.

Bất kỳ ai lướt qua các web khiêu dâm trên mạng đều có thể bắt gặp điều gì đó mới mẻ, kích thích họ về mặt tình dục. Nhưng điều này không có nghĩa họ muốn thực hiện ngoài đời. Ngoài ra, chúng ta tưởng tượng thì ổn áp nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không được “sướng” như tưởng tượng.

Trong cuốn “Tell Me What You Want” (2018), Justin Lehmiller lưu ý điều quan trọng là phải thừa nhận ham muốn của bạn chứ không phải trốn chạy và lẩn tránh chúng. Tuy nhiên, theo Lehmiller, “Không phải tất cả tưởng tượng đều có thể hoặc nên thực hiện, và nếu bạn không muốn hành động theo những gì mình tưởng tượng thì chẳng sao cả – tôi không muốn để bạn có cảm giác mình phải làm nô lệ cho ham muốn của riêng mình” (2018: 231).

Hình ảnh được cung cấp bởi Klaus Hausmann từ Pixabay

Tóm lại là

Việc sống trong những tưởng tượng về tình dục có thể cải thiện đáng kể đời sống tình dục của một người và góp phần tăng cường hạnh phúc trong chuyện ấy. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn cần chuyển những gì trong đầu thành sự thật.

Tưởng tượng tình dục cho phép chúng ta xem xét những gì mình có thể thích hoặc chắc chắn không thích. Tưởng tượng cũng giúp ta hiểu rõ hơn về sở thích tình dục của người khác. Và tưởng tượng có thể chỉ vui trong thế giới của chính nó.

Trong tâm trí, bạn kiểm soát sự tưởng tượng. Bạn quyết định những gì sẽ xảy ra, như thế nào, ở đâu, khi nào và với ai. Bạn xây dựng một bối cảnh một cách hoàn hảo theo kịch bản bạn tạo ra. Nhưng trong thế giới thực, không gì đảm bảo được như vậy.

Nguồn thông tin trong bài

Lehmiller, Justin. (2018). Tell Me What You Want. New York, NY, Da Capo Press.

Wahl, D.W. (2020). Speaking through the silence: Narratives, interaction, and the construction of sexual selves. Iowa State University. Proquest Publishing.

Dịch từ bài: Why Do People Have Sexual Fantasies They’d Never Act Out? | Psychology Today

Chia sẻ
Sao chép link
Tác giả: Ngo Thuy

Nếu chỉ muốn yêu nhưng không muốn tình dục thì có được không?

Mỗi người là một thế giới đặc biệt với những cảm nhận về cuộc sống rất riêng nên chẳng thể ép buộc tất cả phải theo một khuôn khổ nhất định. Có thể theo cái nhìn của phần đông, đã yêu thì chắc chắn phải quan hệ tình dục. Nhưng quả thật có những người chỉ muốn yêu nhưng không muốn làm tình, cả trong lúc yêu lẫn khi đã kết hôn. Liệu bạn có đón nhận được điều này ở mình hay là ở chính người bạn yêu?

Khi ai đó không quan tâm đến tình dục

Có một xu hướng tính dục gọi là Asexual – vô tính, chỉ sự thiếu hấp dẫn tình dục với người khác. Người vô tính ít hoặc không quan tâm đến hoạt động tình dục nhưng vẫn có thể mang tình cảm với người khác, tiến đến hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ lãng mạn (trong dài hạn hoặc ngắn hạn).

Hình ảnh được cung cấp bởi Nathan Dumlao trên Unsplash

Nhìn chung, người vô tính không phải có ác cảm với tình dục mà chỉ đơn giản là họ không cảm thấy bị hấp dẫn về mặt tình dục. Một số người vẫn có quan hệ tình dục với 2 lý do phổ biến là để làm hài lòng người thương hoặc để có con.

Nhắc đến Asexual là để bạn hiểu không phải ai khi yêu cũng đều quan hệ tình dục mà có rất nhiều lý do khiến một người không hứng thú đến tình dục. Nhưng câu chuyện yêu mà không có tình dục hiện vẫn đem lại nhiều ý kiến trái chiều. Một phần vì tư tưởng “tình yêu không tình dục chỉ là tình đồng chí” đã ăn sâu vào trong tâm trí của nhiều người, thậm chí trở thành một điều “bình thường” trong xã hội.

Nếu đi ngược lại thì sẽ bị xem là “không bình thường”, bị ném đá dữ dội. Có lẽ nó không bình thường với phần đông người nhưng lại bình thường với một số người với xu hướng tính dục hoặc bản sắc riêng.

Mỗi người có thể trải nghiệm các loại hình hấp dẫn khác nhau

Hình ảnh được cung cấp bởi Adam Cybulski trên Unsplash

Mỗi người vẫn sẽ có những điều mình cảm thấy hấp dẫn, muốn được trải nghiệm cũng như mong gắn kết với một ai đó (1). Có 4 loại hấp dẫn chính:

1/ Hấp dẫn của sự lãng mạn: là loại hấp dẫn muốn có mối quan hệ lãng mạn với người thương.

2/ Sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ: là loại bị thu hút bởi ai đó về vẻ bề ngoài.

3/ Hấp dẫn về mặt thể chất: là loại hấp dẫn muốn chạm vào, nắm tay hoặc âu yếm nhẹ nhàng với người yêu.

4/ Hấp dẫn về cảm xúc: là loại hấp dẫn mong muốn kết nối cảm xúc với một ai đó. Có thể là một người bạn, người thân hay một người lạ mới quen nhưng thấy vô cùng gần gũi.

Tâm lý chỉ muốn yêu nhưng không muốn tình dục

Hình ảnh được cung cấp bởi Pablo Heimplatz trên Unsplash

Những phản ứng của bản thân với những điều về tình cảm, tình dục không phải lúc nào cũng diễn ra song hành hay đều xuất hiện ở những khu vực giống nhau trong não bộ (2).

Đối với tình dục, có vùng não cảm giác sinh dục để cảm nhận những kích thích “yêu”, nhưng nó không phản ánh hoàn toàn được rằng cá nhân đó muốn quan hệ hay không. Mối quan tâm của một người đối với những khía cạnh trong cuộc sống chỉ có tự họ thấu hiểu được và nó vận hành rất riêng cho sự liên hệ thân – tâm – trí cũng như các kết nối tế bào của cơ thể.

Vì vậy, bạn không thể dựa vào cách nhìn của mình mà phán xét hay cố lý giải một người chỉ vì họ muốn yêu nhưng không muốn làm tình. Thái độ đúng ở đây là tôn trọng quan điểm, góc nhìn của đối phương. Nếu quan điểm của họ không phù hợp với bạn, ảnh hưởng không nhỏ đến bạn thì bạn chỉ việc rời đi, không tiếp xúc với họ nữa. Không cần bạn phải cố hiểu hay chấp nhận, chỉ cần bạn đừng buông lời phán xét hay chế giễu cách sống của người ta.

Nguồn nghiên cứu và tham khảo trong bài

(1) Asexual: What It Means, Facts, Myths, and More (healthline.com)
(2) The Journal of Sexual Medicine | Oxford Academic (oup.com)
What Does Asexual Mean? 14 Signs To Know If You’re Ace | mindbodygreen
What Is Asexuality? (verywellmind.com)
Asexuality: What it means to be asexual (medicalnewstoday.com)

Chia sẻ
Sao chép link