Một hướng dẫn cơ bản cho phụ nữ về tình dục an toàn
Là con gái, bạn đừng ngại tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến tình dục an toàn. Vì như thế, bạn sẽ nắm được quyền chủ động và bảo vệ bản thân tốt hơn, tránh những hậu quả ngoài ý muốn. Ví dụ như mang thai hoặc bị các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục (STIs) như HIV, HPV, bệnh lậu… Dưới đây là các kiến thức cơ bản về tình dục an toàn mà mọi cô gái nên biết, bất kể bạn là “tấm chiếu mới” hay đã kinh qua nhiều trận chiến.
Nghiên cứu kỹ các phương pháp tránh thai
Bạn đã biết được bao nhiêu phương pháp phòng tránh thai kèm những ưu, nhược điểm của nó? Mình thấy lo ngại về tình trạng nhiều bạn nữ chỉ “biết” nhưng không “hiểu” rõ những mặt lợi, hại của mỗi biện pháp tránh thai mà cứ vô tư sử dụng.
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Chẳng hạn như thuốc tránh thai khẩn cấp, có bạn cứ 1 tháng uống 1 lần, thậm chí 2 – 3 lần. Nhưng bạn đâu biết loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ nặng nề thế nào nếu lạm dụng thường xuyên. Chưa kể, dùng nhiều thì tác dụng tránh thai cũng giảm xuống. Theo khuyến cáo của bác sĩ, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ dùng với người khỏe mạnh, KHÔNG DÙNG quá 2 lần trong 1 tháng và quá 3 lần trong 1 năm.
Tương tự với các biện pháp phòng tránh thai khác. Bạn hãy tìm hiểu kỹ các ưu, nhược điểm, sau đó đối chiếu với tình trạng sức khỏe hiện tại để chọn cho phù hợp. Ngoài ra, sau khi dùng biện pháp nào mà gây tác dụng phụ không mong muốn (như chóng mặt hoặc giảm ham muốn tình dục), bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và được tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp hơn.
Biết được tình trạng sức khỏe của bạn
Nếu bạn đã và đang quan hệ tình dục thì điều quan trọng cần làm là thường xuyên đi kiểm tra hoặc xét nghiệm bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục, ở mình hay gọi là bệnh xã hội. Tần suất tốt nhất là cứ 6 tháng một lần.
Hình ảnh được đăng tải bởi Ben Mullins trên Unsplash
Và bạn cũng đừng chờ đến khi có triệu chứng bất thường ở vùng kín mới đi nhé. Vì nhiều bệnh không gây ra triệu chứng hay dấu hiệu nào đáng kể (như Chlamydia) mà phải đến khi vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau mới phát bệnh. Và trong thời gian đó, bạn đã vô tình “chia sẻ” bệnh cho bạn cùng giường mà chẳng hề hay biết.
Tương tự, bạn cùng giường ấy cũng có thể vô tình lây STIs cho bạn. Đó là lý do bạn nên đi kiểm tra thường xuyên (và cùng partner là tốt nhất nếu bắt đầu mối quan hệ mới).
*Các bệnh viện xét nghiệm bệnh STIs, hay còn gọi bệnh xã hội, uy tín ở TP.HCM: bệnh viện ĐH Y dược, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Bình dân, bệnh viện Nhiệt đới, bệnh viện Hòa Hảo, bệnh viện Nhân dân 115…
*Các bệnh viện xét nghiệm bệnh STIs uy tín ở Hà Nội: bệnh viện Da liễu Trung Ương, bệnh viện Da liễu Hà Nội, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai…
Giao tiếp cởi mở với bạn cùng giường chính là chìa khóa
Hình ảnh được đăng tải bởi Becca Tapert trên Unsplash
Tình dục an toàn cũng bao gồm việc hai bạn thành thật với nhau về sở thích tình dục, sự đồng thuận cũng như “lịch sử chinh chiến”. Thật ra biết về quá khứ tình dục của nhau chẳng phải để khoe mình dày dặn kinh nghiệm hay gì. Chia sẻ là để cùng nhau tìm hiểu về các bệnh STIs. Vì một số bệnh lỡ mắc phải thì không thể chữa khỏi, bạn muốn quan hệ thì bắt buộc dùng bao cao su để bảo vệ cả hai. Ngoài ra, khi thảo luận về lịch sử tình trường, bạn cũng dễ có lý do khuyên đối phương cùng bạn đi xét nghiệm STIs trước khi quyết định quan hệ.
Hạn chế số lượng bạn tình
Điều này cũng dễ hiểu: bạn càng làm tình với nhiều người thì càng có nhiều khả năng bị STIs hoặc mang thai. Mỗi bạn tình đều mang theo “dư âm” của bạn tình khác, số lần quan hệ và các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn. Nếu bạn không ở trong mối quan hệ chung thủy 1:1 thì nên mang theo bao cao su và yêu cầu đối tác kiểm tra STIs trước khi quan hệ.
Hay tốt nhất là yêu chung thủy với một người trong mối quan hệ lâu dài
Hình ảnh được đăng tải bởi Oziel Gómez trên Unsplash
Cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh STIs là có mối quan hệ lâu dài với một người. Miễn là hai bạn chung thủy với nhau thì sẽ đến một thời điểm, hai bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai khác mà không cần dùng bao cao su.
Tuy nhiên, nếu người kia “cắm sừng” bạn, tằng tịu với người khác thì bạn vẫn có thể mắc bệnh STIs mà không hề hay biết.
Cẩn thận với các sản phẩm bạn định dùng cho “cô bé”
Chắc chắn chúng ta đã từng nghe về những sản phẩm như dung dịch vệ sinh hay nước hoa có tác dụng làm sạch âm đạo và giảm mùi khó chịu. Nhưng các bác sĩ phụ khoa khuyên bạn không cần phải mua những thứ này.
Vì âm đạo có thể tự làm sạch và giữ bản thân khỏe mạnh bằng cách chứa nhiều vi khuẩn tốt. Những vi khuẩn này duy trì sự cân bằng pH lý tưởng, giúp xua đuổi các vi khuẩn xấu. Nếu bạn dùng dung dịch vệ sinh, gel hay thậm chí cả nước bình thường rửa sâu vào bên trong âm đạo thì sẽ phá vỡ sự cân bằng đó. Nên mới có chuyện nhiều bạn sử dụng dung dịch vệ sinh làm sạch thường xuyên mà vẫn bị viêm âm đạo là vậy.
Hình ảnh được đăng tải bởi Alexander Grey trên Unsplash
Bạn không cần rửa âm đạo nhưng âm hộ thì vẫn cần. Âm hộ nằm bên ngoài âm đạo, được bao phủ bởi lớp lông mu, bao gồm âm vật, mui âm vật, môi âm đạo. Bạn nên làm sạch bằng nước ấm. Trong những ngày hành kinh, bạn có thể dùng xà phòng dịu nhẹ, không mùi, không gây kích ứng da để làm sạch vùng âm hộ. Khi rửa, bạn tránh để nước hoặc xà phòng vào bên trong âm đạo.
Ngoài ra, bạn không nên dùng bất kỳ sản phẩm có mùi thơm nào – dù là xà phòng, dung dịch vệ sinh hay xịt thơm. Vì chúng đều có thể gây kích ứng âm đạo và âm hộ. Thực chất những sản phẩm này chỉ làm mồi cho sự bất an của mọi người về mùi cơ thể của họ. Nhưng không âm đạo nào là không có mùi. Và mùi thế nào thì tùy thuộc vào chế độ ăn uống và chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Nếu mùi hăng và khó chịu, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc nên đến bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh, chứ không phải cậy nhờ vào xịt thơm hay nước hoa.
Tóm lại, bạn chỉ cần dùng nước ấm nhẹ nhàng vệ sinh cho cô bé vào những ngày bình thường mà không cần dùng xà phòng, dung dịch hay nước hoa nào.
Nếu có thể, bạn hãy cân nhắc sử dụng gel bôi trơn
Hình ảnh được đăng tải bởi Deon Black trên Unsplash
Bao cao su có thể bị rách nếu bạn hoặc người kia không được bôi trơn đúng cách. Chất bôi trơn cũng có thể ngăn ngừa bị trầy xước da khi quan hệ. Bởi vết thương hở là một con đường có thể lây nhiễm các bệnh STIs.
Bạn nên dùng chất bôi trơn gốc nước hoặc silicone, tránh dùng gốc dầu bởi nó làm tăng nguy cơ rách bao cao su hơn.
Tình dục an toàn là tình dục lành mạnh
Nói chuyện về chủ đề tình dục không phải lúc nào cũng dễ dàng khi bắt đầu mối quan hệ mới, thậm chí là người yêu đã quen nhau lâu năm. Tuy chủ đề này có thể không đem lại cảm giác thoải mái nhưng lại vô cùng quan trọng. Chỉ khi an toàn thì cả hai mới luôn khỏe mạnh để còn sức mà tận hưởng lâu dài một trong bốn tứ khoái của đời người chứ, phải không? ^^
Vì vậy, hai bạn cần thảo luận cởi mở với nhau về sở thích, nhu cầu, tần suất, lịch sử cũng như chọn biện pháp nào để bảo vệ. Khi hai bạn chủ động nói chuyện về những vấn đề này thì sẽ ngăn được những quyết định nóng vội có thể dẫn đến sự hối hận lâu dài.
Nguồn thông tin: healthline
Danh mục khám phá
10 câu hỏi giúp bạn chọn được biện pháp tránh thai phù hợp
Hiện nay đã có rất nhiều biện pháp tránh thai cho phụ nữ. Nhiều lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với việc nhiều bối rối hơn khi chúng ta khó xác định được cái nào phù hợp với mình.
Không có biện pháp tránh thai nào là hoàn hảo cho tất cả phụ nữ. Loại phù hợp nhất với bạn sẽ tùy thuộc vào sức khỏe, hoàn cảnh, và thay đổi theo thời gian. Trả lời 10 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra “chân ái” cho đời sống tình dục thăng hoa mà không phải lo âu.
Trước tiên, chúng ta cùng điểm qua các biện pháp tránh thai phổ biến
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Triệt sản
Thắt ống dẫn trứng cho nữ giới và thắt ống dẫn tinh ở nam giới là những thủ thuật y tế giúp ngăn ngừa vĩnh viễn khả năng mang thai trong tương lai.
Biện pháp tránh thai nội tiết tố có hiệu quả ngắn hạn
Thuốc tránh thai, miếng dán và vòng âm đạo đều chứa progestin, một loại hormone khiến chất nhầy ở cổ tử cung đặc lại và lớp nội mạc tử cung mỏng đi khiến tinh trùng không thể gặp trứng. Hầu hết các biện pháp cũng chứa estrogen, hormone có tác dụng ngăn buồng trứng phóng thích trứng.
Biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài
Vòng tránh thai và que cấy tránh thai là hai biện pháp tránh thai có hiệu quả lâu dài, trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 10 năm, tùy loại. Que cấy và vòng tránh thai nội tiết cũng chứa hormone progestin để tránh thai, trong khi vòng tránh thai bằng đồng ngăn tinh trùng gặp trứng.
Biện pháp tránh thai rào cản
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Đây là biện pháp bao gồm bao cao su (cho nam và nữ), thuốc diệt tinh trùng, miếng xốp tránh thai, màng ngăn âm đạo, nắp chụp cổ tử cung. Chúng được sử dụng mỗi khi bạn quan hệ tình dục hoặc như một phương pháp dự phòng cho các biện pháp tránh thai khác.
Biện pháp tự nhiên
Nữ giới sẽ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình và tránh quan hệ (hoặc dùng biện pháp tránh thai khác) vào những ngày trong tháng mà cô ấy có nhiều khả năng mang thai nhất.
1. Hiệu quả tránh thai như thế nào?
Mỗi biện pháp có hiệu quả tránh thai khác nhau và đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta. Hiệu quả này được tính bằng cách có bao nhiêu phụ nữ mang thai nếu 100 phụ nữ sử dụng biện pháp này trong một năm.
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Ví dụ, nếu một biện pháp tránh thai có hiệu quả 99% thì cứ 100 phụ nữ sẽ có 1 người mang thai trong một năm.
Một số biện pháp được liệt kê dưới đây, chẳng hạn như thuốc tránh thai, bao gồm cụm từ “nếu được sử dụng đúng cách”. Điều này là do những người sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn, nếu không thì thực tế sẽ không mang lại hiệu quả tránh thai như mong muốn.
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả hơn 99%:
+ Que cấy tránh thai
+ Vòng tránh thai
+ Triệt sản nữ
+ Triệt sản nam hoặc thắt ống dẫn tinh
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả hơn 99% nếu luôn được sử dụng đúng cách, nhưng thường hiệu quả dưới 95% với cách dùng thông thường:
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày
+ Miếng dán tránh thai
+ Vòng âm đạo
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả 98% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Bao cao su cho nam
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả 95% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Bao cao su cho nữ
*Các biện pháp tránh thai có hiệu quả từ 92% đến 96% nếu được sử dụng đúng cách:
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung có chất diệt tinh trùng
2. Bạn có thể đưa việc tránh thai thành một phần trong thói quen hàng ngày không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Nếu bạn là người có trí nhớ tốt, dễ dàng thực hiện một thói quen đều đặn mỗi ngày thì bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn tránh thai hơn. Lý do vì bạn ít quên việc mình phải tránh thai bằng cách uống thuốc mỗi ngày hoặc dán lại miếng dán định kỳ.
Bạn có thể muốn dùng một biện pháp mà chỉ cần sử dụng khi quan hệ tình dục, ví dụ như bao cao su (cho nam hoặc nữ), hay bạn sẽ thích một biện pháp mà cần dùng hàng ngày như thuốc tránh thai. Ngoài ra, bạn có thể xem xét các biện pháp khác như miếng dán, thuốc tiêm, que cấy mà không cần sử dụng hàng ngày hoặc mỗi lần quan hệ.
Tóm lại:
*Các biện pháp được sử dụng mỗi khi quan hệ:
+ Bao cao su cho nam và nữ
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung.
*Các biện pháp cần sử dụng hàng ngày:
+ Thuốc tránh thai hàng ngày (riêng loại 21 viên thì bạn nghỉ 7 ngày sau khi uống hết vỉ đầu tiên)
*Các biện pháp sử dụng theo tuần:
+ Miếng dán tránh thai (trong thời gian 3 tuần, cứ 1 tuần là thay miếng dán 1 lần, tuần thứ tư nghỉ)
*Các biện pháp sử dụng theo tháng:
+ Vòng âm đạo (đặt vào âm đạo liên tục trong 3 tuần rồi tháo ra, nghỉ 1 tuần)
*Các biện pháp với liều dùng từ 1 đến 3 tháng/lần:
+ Thuốc tiêm tránh thai
*Các biện pháp với liều dùng từ 3 đến 5 năm một lần (hoặc hơn)
+ Que cấy tránh thai
*Các biện pháp thay mới từ 5 năm đến 10 năm một lần
+ Vòng tránh thai
3. Bạn có thoải mái khi đưa biện pháp tránh thai vào âm đạo không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Nếu bạn thấy thoải mái thì có thể cân nhắc sử dụng:
+ Vòng âm đạo
+ Bao cao su nữ
+ Màng ngăn âm đạo
+ Mũ chụp cổ tử cung
Nếu bạn muốn một biện pháp lâu dài hơn và không ngại bác sĩ đưa vào tử cung qua đường âm đạo thì có thể cân nhắc sử dụng:
+ Vòng tránh thai
4. Bạn có khó chịu nếu chu kỳ kinh nguyệt thay đổi không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Một số biện pháp tránh thai có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Ví dụ như giúp kỳ kinh ngắn hơn, nhẹ hơn, ít đau hơn. Cũng có biện pháp lại khiến kỳ kinh kéo dài và nặng nề hơn (như vòng tránh thai bằng đồng).
Nếu bạn muốn cải thiện các triệu chứng khó chịu vào mùa dâu thì có thể dùng các biện pháp tránh thai sau:
+ Thuốc tránh thai hàng ngày
+ Miếng dán tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Vòng tránh thai bằng nội tiết tố
+ Vòng âm đạo
5. Bạn có hút thuốc không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Người hút thuốc có thể sử dụng hầu hết các biện pháp tránh thai. Nhưng nếu bạn trên 35 tuổi và hút thuốc thì một số biện pháp lại không phù hợp với bạn như thuốc tránh thai hàng ngày (loại có cả hormone estrogen), miếng dán hoặc vòng âm đạo. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc các biện pháp khác như:
+ Vòng tránh thai
+ Que cấy tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày (loại chỉ có progestogen)
6. Bạn có đang thừa cân?
Cân nặng của bạn sẽ không ảnh hưởng đến hầu hết các biện pháp tránh thai. Ngược lại, hầu hết các biện pháp cũng không làm bạn tăng cân.
Tuy nhiên, thuốc tiêm tránh thai có thể khiến bạn tăng cân một chút nếu sử dụng từ 2 năm trở lên.
7. Điều gì xảy ra nếu bạn không thể sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Một số biện pháp tránh thai hoạt động bằng cách sử dụng hormone tương tự như hormone do phụ nữ sản xuất tự nhiên, là estrogen và progestogen. Những biện pháp này sẽ không phù hợp với một số phụ nữ, chẳng hạn những người mắc các bệnh lý như ung thư vú.
Trong trường hợp này, bạn nên thay thế bằng các biện pháp tránh thai không nội tiết tố như:
+ Vòng tránh thai bằng đồng
+ Bao cao su cho nam và nữ
+ Màng chắn âm đạo và nắp chụp cổ tử cung
8. Nếu bạn không thể sử dụng biện pháp tránh thai có chứa estrogen thì sao?
Biện pháp tránh thai chứa hormone estrogen không thích hợp cho những phụ nữ:
+ Trên 35 tuổi và hút thuốc
+ Thừa cân
+ Đang dùng một số loại thuốc
+ Mắc một số bệnh lý như vấn đề lưu thông máu hoặc chứng đau nửa đầu Migraine
Những đối tượng này có thể cân nhắc các biện pháp khác như:
+ Vòng tránh thai
+ Que cấy tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen
9. Bạn có đang dùng loại thuốc nào để điều trị bệnh không?
Hình ảnh được đăng tải bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Một số biện pháp tránh thai có thể bị ảnh hưởng nếu bạn đang dùng loại thuốc nào đó. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm chi tiết.
Các biện pháp tránh thai không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc khác là:
+ Vòng tránh thai
+ Thuốc tiêm tránh thai
+ Màng chắn âm đạo
+ Nắp chụp cổ tử cung
+ Bao cao su cho nam và nữ
10. Bạn có kế hoạch mang thai trong thời gian sắp tới không?
Bạn có thể mang thai ngay sau khi ngừng sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào (trừ triệt sản).
Khả năng sinh sản của phụ nữ thường trở lại bình thường trong tháng đầu tiên sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng âm đạo hoặc dán miếng tránh thai.
Nếu bạn muốn khả năng sinh sản nhanh chóng trở lại bình thường thì hãy xem xét các biện pháp sau:
+ Que cấy tránh thai
+ Vòng tránh thai
+ Thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen
+ Màng chắn âm đạo
+ Nắp chụp cổ tử cung
+ Bao cao su (cho nam và nữ)
Nếu dùng tiêm thuốc tránh thai, khả năng sinh sản của bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường.
*Cuối cùng thì mình chỉ muốn nhắc lại là cách duy nhất để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) là sử dụng bao cao su. Các biện pháp tránh thai khác chỉ ngăn ngừa mang thai chứ không bảo vệ bạn khỏi STIs.
Nguồn thông tin từ: Which method of contraception suits me? – NHS (www.nhs.uk)
HIV là bệnh của “đồng tính nam” hoặc “LGBT+”?
Một trong những hiểu sai phổ biến về HIV là chỉ có đồng tính nam mới dễ nhiễm, và cộng đồng này là nguồn lây nhiễm HIV.
Hiểu sai trên bắt nguồn từ tỷ lệ nhiễm HIV của đồng tính nam cao hơn so với các cộng đồng còn lại. Nhưng chúng ta không thể nào từ tỷ lệ nhiễm cao mà suy luận như vậy, bởi HIV có lây nhiễm hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hành vi quan hệ tình dục chứ không nhất định ở một giới tính cụ thể nào.
Vậy hành vi quan hệ tình dục nào là có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất?
Câu trả lời là quan hệ qua hậu môn, với rủi ro cao gấp 18 lần so với quan hệ qua âm đạo mà không dùng biện pháp bảo vệ (1). Dưới đây là hai lý do chính khiến hoạt động tình dục này có nguy cơ lây nhiễm HIV cao:
1/ Các mô trực tràng rất mỏng manh, tạo điều kiện cho virus xâm nhập trực tiếp vào máu thông qua các vết rách hoặc vết trầy xước nhỏ khi quan hệ.
Hình ảnh được cung cấp bởi Dainis Graveris trên Unsplash
2/ Trực tràng có khả năng thẩm thấu như miếng bọt biển. Chất dịch cơ thể tiết ra từ dương vật khi quan hệ có thể được hấp thụ trực tiếp qua màng của trực tràng. Và nếu chất dịch ấy có chứa vi khuẩn, virus như HIV thì nó cũng nương vào đó mà đi vào máu, làm chúng ta bị lây nhiễm mầm bệnh.
3/ Khi xem xét 16 nghiên cứu chất lượng cao khác nhau, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia và Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn đã kết luận rằng nguy cơ nhiễm HIV trên mỗi hoạt động khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn mà không dùng bao cao su là khoảng 1,4% đối với người “nằm dưới” (1).
Hình ảnh được cung cấp bởi Deon Black trên Unsplash
Nguy cơ lây truyền còn tăng cao hơn nếu người “nằm trên” không cắt bao quy đầu (0,62% không cắt bao quy đầu so với 0,11% đã cắt bao quy đầu).
Nói tóm lại, nếu bạn quan hệ qua “lỗ nhị” mà không dùng bao cao su thì đều có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Ý thức của những người tham gia vào hoạt động tình dục (có an toàn hay không, có phòng ngừa trước hay không) sẽ quyết định rủi ro lây nhiễm HIV chứ không nằm ở bản dạng giới, biểu hiện giới hay xu hướng tính dục của người đó.
Gọi HIV là bệnh “đồng tính nam” hoặc “LGBT+” là không đúng về mặt y tế. Cách gọi ấy chỉ để duy trì những định kiến có hại về những người đang sống chung với HIV và các thành viên trong cộng đồng LGBT+ mà thôi.
Hình ảnh được cung cấp bởi Alexander Grey trên Unsplash
Nguồn thông tin trong bài:
(1) Baggaley R, White R, Boily C. HIV transmission risk through anal intercourse: systematic review, meta-analysis and implications for HIV prevention. International Journal of Epidemiology. 2010; 39(4):1048-1063. doi:10.1093/ije/dyq057
Ways HIV Can Be Transmitted | HIV Transmission | HIV Basics | HIV/AIDS | CDC
Dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt có an toàn không?
Có thể bạn đang muốn dời ngày “dâu” ghé thăm vì nhiều lý do như chuẩn bị đi du lịch hay có một kì thi, phỏng vấn quan trọng và sợ cơn đau khi hành kinh sẽ ảnh hưởng. Bạn băn khoăn không biết liệu dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt có an toàn cho chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên của mình không. Cùng SEBT tìm hiểu qua bài viết dưới đây và có cho mình câu trả lời nhé.
Cách để “dâu” ghé thăm muộn hơn
Có một số cách để thay đổi ngày hành kinh đến muộn so với bình thường. Bạn có thể sử dụng norethisterone, bản chất là một dạng progestin, giúp ngăn niêm mạc tử cung bong ra, và ngày “đèn đỏ” sẽ tới trễ hơn. Một cách khác là bạn dùng thuốc tránh thai kết hợp. Mỗi cách sẽ có sự vận hành khác nhau trên cơ thể bạn.
Độ an toàn của mỗi cách
Cách 1: Dùng Norethisterone
Norethisterone là một loại thuốc kê toa, cần sự chỉ định của bác sĩ, có thể được sử dụng để trì hoãn ngày “dâu” ghé thăm lên đến 17 ngày. Cách hoạt động là nó làm tăng nồng độ progesterone trong cơ thể, như vậy niêm mạc tử cung sẽ không bong ra, kết quả là kỳ kinh đến muộn. Bình thường vào khoảng từ ngày 22 – 28 của chu kỳ, hormone này sẽ giảm, tạo điều kiện cho lớp nội mạc tử cung tách ra, đào thải khỏi cơ thể.
Norethisterone an toàn cho hầu hết các bạn nữ nếu dùng nó vào dịp cần thiết nhất. Và trước khi bắt đầu, bác sĩ sẽ thăm khám để kiểm tra thể trạng của bạn có phù hợp với cách này hay không.
Hình ảnh được cung cấp bởi Reproductive Health Supplies Coalition trên Unsplash
Cách 2: Dùng viên uống tránh thai kết hợp
Khi sử dụng viên uống tránh thai kết hợp dạng 21 ngày thì sau khi dùng 21 viên, đến 7 ngày nghỉ bạn không nghỉ và uống vỉ tiếp theo. Hoặc với dạng 28 ngày thì 7 viên cuối (không chứa hoạt chất), bạn không uống mà bắt đầu dùng sang vỉ mới luôn. Như vậy ngày hành kinh của bạn sẽ đến muộn hơn. Sử dụng cách này không ảnh hưởng gì đến hiệu quả tránh thai của bạn. Đến khi bạn hết muốn trì hoãn nữa, chỉ cần điều hòa lại cách uống nếu vẫn muốn ngừa thai hoặc không dùng viên uống thì “bé dâu” sẽ xuất hiện bình thường.
Sau khi dừng bao lâu thì kinh nguyệt trở lại bình thường?
Khi bạn dừng cách trì hoãn thì kinh nguyệt trở lại sau 10 – 15 ngày. Có bạn kinh nguyệt đến sớm hơn hoặc có thể đến muộn hơn. Điều này tùy thuộc vào sự điều hòa của cơ thể mỗi người. Nên không có gì phải lo lắng quá nhiều, bạn cứ thong thả, sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao, sống tích cực là ổn thôi.
Hình ảnh được cung cấp bởi mr lee trên Unsplash
Có những ảnh hưởng nào khác không?
Bất cứ loại thuốc nào từ Đông Y đến Tây Y, tùy vào mỗi người mà có những phản ứng khác nhau. Khi sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt, dĩ nhiên có sự thay đổi về hormone nên có bạn sẽ nổi mụn, hay thay đổi tâm trạng hoặc có chút khó chịu trong người. Có bạn thì thấy bình thường, không có chuyện gì cả.
Như vậy sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt có an toàn không?
Các phương pháp được sử dụng hiện nay được đánh giá là an toàn. Bạn có thể lựa chọn trong trường hợp thật sự cần thiết nhưng không nên quá ỷ lại để đảm bảo sức khỏe tốt nhất. Bên cạnh đó khi chưa chắc chắn nên dùng cách nào phù hợp thì bạn nên thăm khám bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể và sử dụng hiệu quả nhé.
Nên suy nghĩ cẩn thận về việc trì hoãn kinh nguyệt
Một điều quan trọng không kém là bạn nên cân nhắc lựa chọn trì hoãn kinh nguyệt vào dịp cần thiết. Với bạn, như thế nào là “bắt buộc” phải trì hoãn? Bạn muốn cảm thấy thoải mái nhất vào ngày cưới, vào kì thi và không muốn ảnh hưởng bởi các cơn đau? Hay đơn giản là để khi đi du lịch biển, bạn muốn tung bay không có “bé dâu” cản trở? Hoặc bạn yêu xa và khó khăn lắm mới có dịp gần gũi với người yêu nên không muốn bị “bà dì” làm phiền?
Hình ảnh được cung cấp bởi Oziel Gómez trên Unsplash
Những nguyên do đưa đến quyết định trì hoãn kinh nguyệt nên thật sự đến từ vì bản thân và thật sự cấp thiết cho chính bạn chứ không nên vì một ai khác. Bởi suy cho cùng, can thiệp đến chu trình tự nhiên trong cơ thể đều sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe.
SEBT hy vọng bạn có thêm những kiến thức hữu ích để trang bị cho bản thân, tự chủ động lựa chọn điều gì là tốt nhất cho chính mình.
Nguồn tham khảo trong bài:
Period Delay & The Pill | LloydsPharmacy Online Doctor UK
Delaying your period with hormonal birth control – Mayo Clinic
How can I delay my period? – NHS (www.nhs.uk)
Nhiễm STIs là hư hỏng, chơi bời hoặc không sạch?
K.ỳ t.hị và bệnh tật luôn đi đôi với nhau. Trong lịch sử loài người, những người mắc các bệnh từ bệnh phong cho đến AIDS đã phải chịu gánh nặng của các phán xét nặng nề về mặt đạo đức. Hiện tại các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng không ngoại lệ. Một người nhiễm STIs dễ bị gắn mác là “chơi bời”, “hư hỏng” hoặc “không được sạch sẽ”.
Vì sao việc nhiễm STIs lại gây ra phản ứng tiêu cực như vậy?
Nguyên nhân một phần là do nhiều người hiểu chưa đúng và đầy đủ về STIs. Không ít người nghĩ chỉ có quan hệ bừa bãi với nhiều người, quan hệ với “gái bán hoa” là mới nhiễm STIs. Do đó trong lịch sử mới từng gọi bệnh là bệnh hoa liễu.
Vì vậy khi ai đó được chẩn đoán nhiễm STIs, người xung quanh thường phán xét về nhân phẩm, hành vi của người đó. Hoặc chính bản thân người nhiễm STIs cũng sợ bị mọi người nghĩ là họ chơi bời không an toàn. Họ sợ bị bạn tình từ chối hoặc chế nhạo.
Hình ảnh được cung cấp bởi Testalize.me trên Unsplash
Mặt trái của sự “sạch sẽ”
Sự k.ỳ t.hị có thể xuất hiện ngay cả trong những cách nói được thốt ra một cách vô tình và ngây thơ nhất. Ví dụ chúng ta hay nói “Em ấy sạch lắm”, “Mình đi kiểm tra rồi, sạch, không bị bệnh gì” để tuyên bố bản thân không nhiễm STIs.
Gọi ai đó hoặc bản thân là “sạch sẽ” nghe có vẻ như là một sự an toàn nghiêm túc đúng đắn nhưng bạn biết không, trái nghĩa với “sạch sẽ” là “bẩn thỉu”. Hàm ý ngầm của câu nói “Mình và người yêu sạch, không bệnh gì” là ai đó mà bị mụn rộp, mụn cóc sinh dục, HIV hay bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác đều “bẩn”.
Tác hại của sự k.ỳ t.hị STIs
Sự k.ỳ th.ị STIs không chỉ gây hại cho chính người nhiễm mà còn cho tất cả mọi người. Bởi chúng ta sẽ khó yêu cầu bạn tình dùng bao cao su vì lo sợ bạn tình sẽ nghĩ chúng ta không tin tưởng đối phương “sạch”.
Hình ảnh được cung cấp bởi Priscilla Du Preez trên Unsplash
Những loại sợ hãi này có thể làm lu mờ phán đoán của chúng ta khi nói đến việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và biến những cuộc trò chuyện về tình dục an toàn trở thành những cuộc đối thoại khó xử đầy những lời buộc tội và phòng thủ.
Sự thật là không có lý do nào để k/ỳ t/hị người nhiễm STIs
Loại phán đoán người nhiễm STIs là chơi bời, không sạch sẽ là vô căn cứ và phi lý bởi các lý do sau:
1/ STIs chỉ là tình trạng nhiễm trùng. Chúng có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai ở mọi chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay xu hướng tính dục. Chúng không phản ánh giá trị hay đạo đức của con người.
2/ Chỉ cần một bạn tình là đã có khả năng lây nhiễm STIs chứ không phải quan hệ với nhiều người mới nhiễm. Vì vậy STIs không nói lên điều gì về lịch sử tình trường của bạn.
3/ Hầu hết các STIs đều không biểu hiện triệu chứng. Cách duy nhất để bạn biết mình có nhiễm STIs không là đi xét nghiệm định kỳ. Nhưng không nhiều người chú tâm đến việc xét nghiệm, dẫn đến bản thân đang mang mầm bệnh mà không hề biết. Sau đó, họ vô tình lây nhiễm cho bạn tình dù chỉ quan hệ với 1 người trong một thời điểm. Đó là lý do tại sao chỉ cần một bạn tình là đã có khả năng lây nhiễm STIs.
4/ STIs rất phổ biến. Theo WHO (*), hơn 1 triệu ca mắc phải STIs mỗi ngày trên toàn thế giới, phần lớn trong số đó không có triệu chứng.
Hình ảnh được cung cấp bởi National Cancer Institute trên Unsplash
Theo SEBT, cách “chữa trị” duy nhất cho tình trạng k/ỳ t/hị STIs là giáo dục giới tính tốt hơn. Mọi người cần biết mức độ phổ biến của các bệnh này cũng như bản chất lây nhiễm của chúng. Từ đó, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn về STIs, không còn sự phán xét, k/ỳ t/thị vô lý. Điều này cũng giúp chúng ta dễ dàng thực hiện thói quen đi xét nghiệm STIs định kỳ mà không phải lo ngại vấn đề gì.
SEBT cũng đã cho ra podcast “STIs có gì sai” tập hợp tất cả kiến thức cần biết về các bệnh lây truyền qua đường tình dục này. Bạn có thể dễ dàng nghe mọi lúc mọi nơi tại kênh Spotify của SEBT:
(*) https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/sexually-transmitted-infections-(stis)