Xuất hiện máu màu nâu nơi âm đạo thì phải làm sao?
Chào em, cảm ơn em đã tin tưởng gửi câu hỏi đến SEBT. Hy vọng nội dung SEBT đang xây dựng sẽ hỗ trợ các em phần nào để có sức khỏe giới tính, tình dục tốt nhất.
Đến với câu hỏi của em, có thể cũng là thắc mắc của nhiều em. Máu nâu đa phần liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Thật ra mọi người thường nghĩ khi hành kinh chỉ có thể là máu đỏ mà thôi. Nhưng máu có thể chuyển đổi nhiều màu sắc bởi có liên quan đến những quá trình sinh học diễn ra bên trong cơ thể.
Vì sao máu có thể thay đổi nhiều màu?
Hình ảnh được đăng tải bởi Deon Black trên Unsplash
Máu thay đổi màu sắc tùy thuộc vào thời gian nó tiếp xúc với oxy trong không khí. Hãy nhớ đến lúc em vô tình làm đứt tay của mình, máu đỏ chảy ra từ vết thương. Nếu em quấn băng và hôm sau kiểm tra, em sẽ thấy rằng máu đỏ đã chuyển sang màu nâu. Màu máu sẫm hơn vì nó đã phản ứng với oxy và phần lớn nước trong máu đã bay hơi, tạo nên sắc tố đậm màu hơn.
Đối với việc hành kinh thì sao?
Nội mạc tử cung hay còn gọi là lớp niêm mạc bên trong của tử cung, nơi trứng thụ tinh sẽ làm tổ và phát triển – được tạo thành từ các mô chứa nhiều mạch máu, đặc biệt có sự góp mặt của các động mạch xoắn. Điều này giúp trứng đã thụ tinh tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với nguồn cung cấp máu tươi (chứa nhiều chất dinh dưỡng và oxy), từ đó trứng có thể bắt đầu phát triển.
Khi em không có thai thì lớp niêm mạc dày lên để trứng làm tổ sẽ bong ra, hình thành hiện tượng ra máu kinh. Ngay trước khi em có kinh, các động mạch xoắn chuyên biệt co lại để hạn chế mất máu (1). Sau sự co thắt của các động mạch, nội mạc tử cung bắt đầu vỡ ra từng mảnh từ các lớp sâu hơn của tử cung. Nội mạc tử cung của em không tách rời tất cả cùng một lúc, đó là sự phân tách có kiểm soát, từ từ và cần thời gian để mô nội mạc tử cung đi xuống qua cổ tử cung và âm đạo. Máu ban đầu có thể có màu đỏ sẫm hoặc nâu, thậm chí đen vì mất nhiều thời gian để thoát ra khỏi cơ thể.
Khi mô bị vỡ ra, nó để lại các đầu đứt gãy của mạch máu và tiếp tục chảy máu. Đây là nơi xuất phát máu đỏ tươi trong kỳ kinh nguyệt. Cuối cùng các tiểu cầu (tham gia vào quá trình đông máu) được kích hoạt nhóm lại với nhau và tạo thành một nút để cầm máu, đưa kỳ hành kinh đến giai đoạn kết thúc. Khi máu chảy chậm lại vào cuối kỳ kinh, nó có thể có màu đỏ hoặc nâu sẫm hơn.
Như vậy vào đầu hoặc cuối kỳ kinh có thể thấy xuất hiện máu nâu là điều bình thường.
Sau sinh
Chảy máu sau sinh cũng có màu đỏ sẫm hoặc màu nâu, nhưng điều này không có gì quá lo lắng, đây chỉ là cách cơ thể tống máu, mô dư thừa ra khỏi tử cung.
Chảy máu sau sinh thường bắt đầu với máu đỏ tươi, sau đó chuyển sang màu sẫm hơn khi lưu lượng máu giảm. Theo thời gian, dòng máu tiết ra sẽ nhạt hơn cả về màu sắc và số lượng.
Mất cân bằng nội tiết tố
Hình ảnh được đăng tải bởi Alexander Grey trên Unsplash
Estrogen giúp ổn định niêm mạc nội mạc tử cung (tử cung). Quá ít estrogen lưu thông có nghĩa là lớp niêm mạc có thể bị phá vỡ ở những điểm khác nhau trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Và nếu lớp này mất một lúc để rời khỏi cơ thể, nó có thể có màu nâu. Ví dụ biện pháp tránh thai nội tiết tố, như thuốc tránh thai và vòng tránh thai, có thể dẫn đến xuất huyết trong những tháng đầu sử dụng khi cơ thể em điều chỉnh theo những thay đổi nội tiết tố.
Nhiễm STIs
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) có thể dẫn đến đốm dịch nâu hoặc chảy máu nâu. Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lậu hoặc chlamydia, có thể không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu.
Theo thời gian, các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm đau khi đi tiểu, áp lực vùng chậu, có xuất hiện những chất dịch hay máu màu nâu kèm những mùi khó chịu, khác thường.
Ngoài ra, không chỉ là máu, em có thể quan sát thêm dịch âm đạo để hiểu hơn về sức khỏe vùng kín của mình. Em tham khảo clip của SEBT về chủ đề này tại kênh Youtube: [Tập 190] Nhìn Dịch Â.m Đ.ạ.o Đoán Sức Khoẻ Cô Bé | CCS | SEBT:
Lời khuyên dành cho em
Trên đây là một số trường hợp có thể xuất hiện máu nâu. Nếu bản thân em thật sự thấy vẫn sinh hoạt bình thường, không có bất kỳ khó chịu nào thì có thể yên tâm với sức khỏe của mình. Bên cạnh đó em nên khám sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe sinh sản định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Đặc biệt khi đã có quan hệ tình dục thì cần dành thời gian chăm sóc vùng kín, cũng như cùng người yêu kiểm tra STIs thường xuyên. Đó cũng là cách để em và người ấy bảo vệ lẫn nhau.
Ngoài ra, khi âm đạo ra máu hoặc chất dịch và cảm thấy đau hay có những dấu hiệu bất thường thì cần thăm khám để có chẩn đoán chính xác nhất em nhé.
Cảm ơn em rất nhiều. Chúc em luôn mạnh khỏe, vui vẻ.
Nguồn tham khảo
(1) Endometrial haemostasis and menstruation | SpringerLink
Menstrual bleeding patterns among regularly menstruating women – PubMed (nih.gov)
Brown Vaginal Discharge: Causes, Treatment, When to See Doctor (healthline.com)