Sống “thiệt”, gặp chuyện, bước đi hay ở lại?
Chào em, cảm ơn em đã gửi tâm sự về cho SEBT. Hy vọng những nội dung team đang phát triển có thể giúp các bạn thấy tự tin với chính mình hơn trong t.ình d.ục và cả mối quan hệ tình cảm.
Về câu chuyện của em, SEBT xin phép có đôi điều chia sẻ như sau
Mối quan hệ rối ren khi bên trong mình đang lộn xộn
Yêu nhau và quyết định về sống cùng khi chưa có những ràng buộc pháp lý hôn nhân là lựa chọn của mỗi người. Đó giống như hành trình để cả hai hiểu hơn về đối phương, soi chiếu lại bản thân trong mối quan hệ. Rồi cùng nhau ngồi xuống liệt kê ra muôn vàn thứ phải chịu trách nhiệm làm tròn vai để giúp cho cuộc sống tốt hơn, chứ không còn đơn thuần là tình cảm yêu đương nữa.
Hình ảnh từ The HK Photo Company trên Unsplash
Mối quan hệ rối ren do chính bên trong mình đang lộn xộn, nó không phải hoàn toàn lỗi của người kia. Mà vì bản thân căng thẳng nhiều chuyện, cộng với một điều gì đó từ đối phương khiến mình không hài lòng, thì mình sẽ lại càng tập trung vào cái điểm chưa tốt ấy. Và tự bản thân mình phức tạp hóa mối quan hệ, rồi tự mình thấy bị tổn thương. Vì thế em đừng nên trách sao mình đang khổ tâm mà người ấy lại tìm niềm vui khác mà hãy chậm lại, bình tâm, lắng nghe chính mình và cả tâm tư của đối phương.
Sự công bằng trong mối quan hệ
Sự công bằng trong mối quan hệ là mỗi người nhìn thấy được nỗ lực của cả hai cho chuyện tình từ hành động, nói chuyện đến cảm nhận bên trong trên một hành trình đủ dài chứ không phải do chính mình suy nghĩ, nhất là khi mình đang ngổn ngang cảm xúc; bởi lúc đó em sẽ thấy cái gì cũng tệ hết. Em đang hỗn độn, có thể người yêu em cũng nhiều tâm tư, trăn trở, nhưng có lẽ chưa thể nói ra nên lựa chọn giải tỏa bằng cách như em đã chia sẻ. Cả hai đều đang cần được lắng nghe, được động viên từ đối phương nhưng vẫn chưa thực hiện được thì bản thân mỗi người sẽ tự tìm một “cục đường”, một điều gì đó ngọt ngào như cách để xoa dịu chính mình.
Hình ảnh từ Shingi Rice trên Unsplash
Nên hãy từ từ, mình cứ từng bước ổn định lại bản thân, nhìn lại mối quan hệ, nếu vẫn thấy có nhiều điều để trân trọng thì cùng nhau đưa chuyện tình vượt qua thử thách, bước sang một giai đoạn phát triển mới. Vì nếu mình không trân trọng điều mình đang có, rồi xuất hiện một người khác biết trân trọng hơn thì họ sẽ tự nhiên sở hữu điều ấy thôi.
Lắng nghe chính mình và đối phương
Tâm trạng em thế nào thì em phải là người làm rõ nhất. Em đang gặp những chuyện gì trong cuộc sống khiến em lo nghĩ thì hãy dành cho mình khoảng không gian tĩnh lặng, có mình mình thôi, rồi lấy giấy bút viết hết ra. Em viết càng chi tiết càng tốt vì cứ để mãi ở “đám mây” suy nghĩ thì cũng chỉ lửng lơ như vậy thôi, không giải quyết được gì.
Em viết ra từng vấn đề ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của em trong mối quan hệ. Sau đó em mong muốn thay đổi theo chiều hướng nào cho mỗi việc đang làm em rối ren. Cái nào em thấy bản thân tự giải quyết được thì làm ngay, cái nào có sự liên kết với người yêu thì nhất định phải có buổi nói chuyện với bạn ấy. Mọi thắc mắc, trăn trở về đối phương thì em nên trao đổi trực tiếp cùng bạn.
Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash
Tuy nhiên hãy cho mình tâm thái là mình và người ấy sẽ cùng cải thiện, phát triển mối quan hệ chứ đừng nghĩ mình là “phái yếu” thì phải được quan tâm, chăm sóc. Em cứ tiếp tục lắng nghe nỗi lòng của người yêu. Bạn ấy đang cảm thấy thế nào về cuộc sống và về mối quan hệ. Nếu được thì cả hai cho nhau thời gian để giải quyết vấn đề riêng của bản thân, rồi đến chuyện của cả hai. Mỗi chuyện cũng cần chia sẻ với nhau. Đó như một cách kết nối, không bắt buộc người ấy cùng mình tham gia vấn đề của riêng mình, mà chỉ đơn giản cho đối phương biết mình đang làm gì. Từ đó cả hai sẽ cảm nhận rõ nét năng lượng mà mình dành cho mối quan hệ này.
Nỗ lực hết mình, dũng cảm rời khỏi mối quan hệ đầy red flag
Mỗi chuyện tình sẽ có nhiều vấn đề khác nhau mà cần cả hai phải thật sự bình tâm để giải quyết, để đi về ánh sáng. Bước qua giai đoạn mật ngọt thì ai cũng dễ bị hương vị mới mẻ mê hoặc, và làm xáo trộn tâm tư nhiều hơn khi bắt đầu có mâu thuẫn, trục trặc diễn ra. Đây là lúc mỗi người học cách trưởng thành hơn trong mối quan hệ. Nghĩa là bản thân sẽ không lệ thuộc vào “mật ngọt” nữa mà bước đến đón nhận nhau một cách trần trụi nhất, chân thật nhất. Đặc biệt khi sống cùng nhau thì nhiều mặt, nhiều góc cạnh của nhau được phô diễn rõ ràng hơn. Khi biết chấp nhận nhau thật lòng qua nhiều chặng đường thì sự kết nối sẽ bền chặt hơn ở nhiều phương diện, kể cả chuyện t.ình d.ục cũng mặn nồng hơn.
Photo by Kelly Sikkema on Unsplash
Ở đây SEBT thấy người yêu của em có những red flag như có ý định “ăn vụng” bên ngoài mỗi khi hai bên cãi nhau. Dù đối phương nói đó chỉ là suy nghĩ lóe lên nhưng lại lưu thông tin mà không xóa. Để biết suy nghĩ thật của một người thì em nên nhìn hành động hơn là lời nói. Cãi nhau với người yêu nhưng không tìm cách giải quyết vấn đề của hai bên để chữa lành mối quan hệ mà chỉ nghĩ đến chuyện “ăn vụng” với cô gái khác, lưu thông tin làm phương án dự phòng thì thật sự cũng là một dạng red flag.
Nếu sau khi hai bên nói chuyện nhưng người yêu em vẫn không thay đổi hành vi khiến em thấy mất an toàn thì em nên dũng cảm bước đi. Bởi tình yêu nên là thứ khiến em được thoải mái, tự tin, tiếp thêm năng lượng tích cực khi ở bên nhau chứ không phải đầy rẫy cảm giác bất an và tủi thân. Và em cũng đừng lo những vấn đề mình sẽ đối mặt khi bước ra khỏi mối quan hệ. SEBT tin chuyện gì cũng có hướng giải quyết, ví dụ em có thể ở ghép với bạn bè để tiết kiệm chi phí thuê nhà. Cố đấm ăn xôi ở cùng với nhau trong tâm trạng tiêu cực thì sẽ tổn hại đến sức khỏe tinh thần của em mà thôi.
Hy vọng những chia sẻ của SEBT sẽ giúp em phần nào bình tâm và tìm được câu trả lời cho chính mình.